Món đậu bắp nhồi tôm là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng được nhiều gia đình Việt ưa chuộng. Cách chế biến món này cũng khá đa dạng, bạn có thể thay đổi linh hoạt từ nướng chiên đến hấp để thay đổi khẩu vị cho bữa ăn hàng ngày. Hãy cùng tham khảo cách làm đậu bắp nhồi tôm ngon miệng trong bài viết sau đây nhé!
1. Giá trị dinh dưỡng có trong đậu bắp
Đậu bắp từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Mỗi 100g đậu cung cấp một lượng dinh dưỡng đáng kể, bao gồm vitamin C, vitamin B6, sắt, chất xơ 3.2g, kali 299mg, protein 1.9g, natri 7mg, magie 57mg và các khoáng chất khác. Lượng calo trong đậu bắp rất thấp chỉ 33 calo, không chứa cholesterol và chất béo bão hòa có hại cho sức khỏe.
Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và calo thấp, đậu bắp trở thành loại thực phẩm phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người mắc các bệnh như cao huyết áp, thiếu máu, tiểu đường, táo bón,…
Xem thêm: “Nhân sâm xanh” đậu bắp và những điều đặc biệt lưu ý khi dùng cho bà bầu
2. Công dụng của đậu bắp?
Có thể thấy, đậu bắp là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng cho cơ thể chúng ta. Với lượng calo và đường thấp, việc sử dụng đậu bắp thường xuyên trong bữa ăn hoặc uống nước đậu bắp mang lại nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe.
- Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Insulin có trong đậu bắp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết cho những người mắc bệnh tiểu đường. Việc thường xuyên bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn hàng ngày hoặc uống nước đậu bắp kết hợp với điều trị bằng thuốc sẽ giúp ổn định mức đường huyết.
Bạn nên sử dụng đậu bắp trong khoảng 3 – 6 tháng trở lên để có thể nhận thấy sự cải thiện về mức đường trong máu. Đặc biệt, do đậu bắp chứa ít đường và calo nên việc sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày sẽ không gây tăng đường huyết.
- Hạn chế nguy cơ thiếu máu
Thường xuyên bổ sung khoảng 100g đậu bắp vào chế độ ăn từ 3 đến 4 bữa mỗi tuần, có thể giúp bạn giảm nguy cơ thiếu máu nhờ vào hàm lượng chất sắt, kali,… có trong loại rau này. Đối với những người mắc bệnh thiếu máu, sử dụng nước đậu bắp thường xuyên cũng có thể hỗ trợ quá trình tái tạo máu.
- Tốt cho hệ tiêu hóa
Chất nhầy mà chúng ta thường thấy trong đậu bắp chủ yếu được hình thành từ hai hoạt chất chính là collagen và mucopolysaccharide. Chúng có vai trò tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích trong đường ruột, giúp tăng cường khả năng đề kháng của hệ tiêu hóa. Đồng thời, lượng chất nhầy này cũng có tác dụng bôi trơn đường ruột, giảm thiểu các triệu chứng táo bón.
- Chống loãng xương
Việc ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa tình trạng loãng xương nhờ vào chất nhầy có khả năng bôi trơn khớp xương. Ngoài ra, vitamin K và vitamin B9 trong đậu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế mất canxi, giúp xương trở nên chắc khỏe. Thêm vào đó, hàm lượng magie cao trong đậu bắp còn góp phần cải thiện tình trạng căng cơ ở bắp chân, bắp tay,…
- Tăng cường hệ miễn dịch
Mỗi 100g đậu bắp cung cấp khoảng 30% nhu cầu giá trị dinh dưỡng về vitamin C cho cơ thể. Sử dụng đậu bắp vào các bữa ăn hàng ngày sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn nhiễm trùng hiệu quả.
3. Gợi ý cách làm món đậu bắp nhồi tôm
Món đậu bắp nhồi tôm vừa dễ ăn vừa giàu giá trị dinh dưỡng nên được rất nhiều gia đình yêu thích. Để biến tấu món ăn thêm mới lạ cũng như đổi khẩu vị cho mỗi bữa ăn, bạn có thể tham khảo các cách chế biến món đậu bắp nhồi tôm dưới đây.
3.1. Món đậu bắp nhồi tôm nướng
Nguyên liệu
-
200g tôm tươi
-
200g đậu bắp
-
200g giò sống
-
15g tôm khô
-
50ml nước cốt tắc
-
Củ hành tím
-
Tỏi, ớt
-
Hành lá
-
Gia vị: Đường, hạt nêm, bột ngọt, muối, tiêu xay, nước mắm, ớt bột
Cách nấu
-
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tôm sau khi mua về, bạn hãy rửa sạch, bỏ vỏ và đầu tôm, sau đó tách phần chỉ tôm ở lưng và băm nhuyễn. Tiếp theo, rửa sạch tôm khô và cũng băm nhuyễn.
Đem hành lá, tỏi và hành tím đã lột vỏ đi rửa sạch rồi băm nhỏ. Cho vào tô 200gr tôm tươi băm nhuyễn, 200gr giò sống, nửa muỗng cà phê hạt nêm, nửa muỗng cà phê ớt bột, tiêu, hành tím và hành lá băm. Sau đó, bạn dùng muỗng để trộn đều các nguyên liệu.
-
Bước 2: Nhồi đậu bắp
Sau khi rửa sạch đậu bắp, bạn dùng dao để cắt một đường dọc trên thân đậu bắp rồi bỏ hết ruột và hạt ra. Tiếp theo, sử dụng muỗng nhỏ để múc phần hỗn hợp tôm thịt nhồi vào bên trong đậu bắp. Lặp lại quy trình này cho đến khi hết phần thịt và đậu bắp.
-
Bước 3: Hấp và nướng đậu bắp
Đặt đậu bắp đã nhồi thịt vào một cái xửng và hấp cách thủy trong khoảng 5 – 7 phút. Sau khi hấp xong, bạn hãy dùng đũa để gắp đậu ra vỉ và nướng cho đến khi chín hoàn toàn.
-
Bước 4: Làm nước sốt
Đặt chảo lên bếp, cho vào 50gr đường, 30ml nước mắm và 50ml nước cốt tắc. Khuấy đều để hỗn hợp tan và hòa quyện với nhau. Đun cho đến khi hỗn hợp sôi, sau đó tắt bếp và để nguội.
Tiếp theo, thêm vào chén nước mắm tắc 15gr ớt băm, 15gr tỏi băm và 15gr tôm khô băm nhuyễn. Sử dụng muỗng để khuấy đều cho đến khi hỗn hợp tan hoàn toàn.
Thành phẩm và thưởng thức
Bạn hãy cho đậu bắp nhồi tôm đã nướng ra đĩa. Rưới một ít mỡ hành và nước sốt chua ngọt lên trên. Để tăng thêm hương vị, bạn có thể thưởng thức đậu bắp kết hợp với một ít xoài xanh bào.
Món ăn với đậu bắp mềm ngọt cùng hỗn hợp tôm giò sống được nêm đậm đà vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Nước sốt chua ngọt làm cho món ăn trở nên lạ miệng mà không hề gây ngán.
3.2. Món đậu bắp nhồi tôm chiên giòn
Nguyên liệu
-
200g tôm tươi
-
200g đậu bắp
-
200g giò sống
-
50g bột chiên giòn
-
30ml nước cốt chanh dây
-
Hành tỏi phi
-
Sốt mayonnaise
-
Gia vị: Hạt nêm, muối, tiêu
Cách nấu
-
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Rửa sạch đậu bắp và để nước ráo. Tiếp theo, sử dụng dao để rạch một đường dọc trên thân đậu bắp rồi dùng muỗng để lấy hết hạt đậu.
Bóc vỏ tôm, loại bỏ đầu và rút sợi chỉ đen. Sau đó, rửa sạch tôm và băm nhuyễn.
-
Bước 2: Ướp tôm thịt và nhồi nhân đậu bắp
Cho phần tôm đã băm nhỏ vào tô, thêm 100g giò sống, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh hành tỏi phi và 1 muỗng cà phê nước chanh dây. Tiếp theo, trộn đều hỗn hợp để các gia vị thấm đều vào tôm và giò sống.
Sau khi trộn xong, tiến hành nhồi nhân vào đậu bắp như bước ở trên.
-
Bước 3: Chiên đậu bắp
Cho 1/2 gói bột chiên giòn vào tô, thêm một ít nước và 1 muỗng cà phê nước chanh dây. Sau đó, khuấy đều cho đến khi hỗn hợp trở nên sệt và hòa quyện.
Nhúng từng trái đậu bắp qua tô bột rồi cho vào chảo dầu và chiên ở lửa vừa. Khi đậu bắp có màu vàng đều, bạn có thể gắp ra và đặt lên đĩa để ráo dầu là đã hoàn thành.
-
Bước 4: Làm nước sốt
Bạn cho vào chén 2 muỗng canh sốt mayonnaise, 1 muỗng canh nước cốt chanh dây, 1 muỗng canh hành tỏi phi thơm, 1/2 muỗng cà phê ớt bột và 1/4 muỗng cà phê muối. Tiếp theo, khuấy đều hỗn hợp này cho đến khi gia vị được hòa quyện.
Thành phẩm và thưởng thức
Đậu bắp khi chín tới có lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong mềm bùi, xen lẫn vị béo béo từ nước sốt và hương thơm nhẹ từ nước cốt chanh dây. Đây chắc chắn sẽ là món ngon mang đến bữa ăn hoàn hảo cho gia đình bạn.
Xem thêm: Cách luộc đậu bắp không nhớt, xanh mượt và nhanh chín
3.3. Món đậu bắp nhồi tôm hấp
Nguyên liệu
-
200g tôm
-
200g đậu bắp
-
1 củ khoai tây bi
-
Đầu hành lá
-
Gia vị: Bột ngọt, hạt nêm, dầu mè, nước tương, tiêu
Cách nấu
-
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tôm được cắt riêng phần đuôi, sau đó bỏ đầu, lột vỏ, làm sạch và được băm nhỏ. Phần đuôi được giữ lại. Khoai tây bi bạn gọt vỏ và bào nhỏ. Đầu hành lá cũng băm nhỏ để sử dụng trong quá trình chế biến.
-
Bước 2: Hấp đậu bắp nhồi tôm
Đầu tiên, bạn cho khoai tây đã bào vào tô, sau đó thêm tôm đã băm vào và trộn đều, ướp hỗn hợp trong 10 phút.
Tiếp theo, cắt bỏ đầu và đuôi của đậu bắp, loại bỏ ruột và cho nhân tôm vào bên trong. Gắn phần đuôi của tôm vào một đầu của đậu bắp để trang trí. Sau đó, bỏ vào nồi hấp và hấp trong 10 phút là bạn đã hoàn thành món ăn.
Thành phẩm và thưởng thức
Đậu bắp nhồi tôm sau khi hấp xong là bạn đã có thể bày ra đĩa và dùng kèm với nước tương nhé! Đậu bắp mềm ngọt hòa quyện với hương vị bùi béo của tôm và khoai tây càng khiến món ăn trở nên ngon khó cưỡng.
4. Những lưu ý khi ăn đậu bắp
Để tận dụng tối đa những lợi ích mà đậu bắp mang lại, bạn cần lưu ý một số điều như sau:
-
Đậu bắp là loại thực phẩm có thể ăn toàn bộ, bạn không cần gọt vỏ hay loại bỏ hạt khi chế biến.
-
Trong quá trình chế biến đậu bắp, hạn chế việc nấu quá chín để giữ nguyên chất nhầy và bảo toàn chất dinh dưỡng.
-
Có nhiều cách chế biến đậu bắp như luộc, xào, nướng, chiên hoặc ép thành nước để sử dụng trực tiếp.
-
Do tính hàn của đậu bắp, người có sức khỏe yếu hoặc hay bị đau bụng nên hạn chế ăn quá nhiều để tránh phản tác dụng.
-
Bệnh nhân mắc bệnh đường ruột hoặc hội chứng ruột kích thích cũng nên hạn chế sử dụng đậu bắp, do hàm lượng fructose cao có thể gây ra đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã có thể tạo nên món đậu bắp nhồi tôm lạ miệng, giàu dinh dưỡng cho cả nhà. Hương vị đặc trưng của đậu bắp kết hợp với thịt tôm ngọt thơm, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Đậu bắp nhồi tôm không chỉ ngon miệng mà còn đẹp mắt, là sự lựa chọn hoàn hảo cho bữa ăn gia đình hoặc các bữa tiệc nhẹ đãi khách.