03 cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh dưới đây cực kỳ dễ áp dụng, đem lại hiệu quả hồi phục nhanh chóng. Học ngay những cách nấu cháo trứng gà để chăm sóc và bồi bổ sức khỏe cho họ một cách dễ dàng, hiệu quả nhất.
1. Một vài điều chú ý khi nấu cháo trứng gà cho người ốm
Biết được cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh thôi chưa đủ mà trước hết, bạn cần lưu ý những điều sau trong quá trình chế biến để dinh dưỡng được trọn vẹn:
- Chọn trứng gà tươi ngon với đặc điểm là phần vỏ đều màu, màu nâu sẫm, không có đốm đen hay vết nứt.
- Đặt trứng gà lên gần tai, lắc nhẹ, nếu trứng tươi thì sẽ không phát ra tiếng động. Nếu tiếng càng lớn thì nghĩa là trứng càng cũ hoặc trứng hư.
- Để giúp cháo thêm mềm và thơm thì trong quá trình nấu, bạn có thể trộn thêm một ít gạo nếp vào gạo bình thường để nấu cùng. Trước khi nấu, bạn hãy vo sạch gạo, ngâm gạo khoảng 1 đến 2 tiếng trong nước để gạo nhanh mềm hơn.
- Trong trường hợp không có thời gian ngâm gạo, bạn hãy rang gạo trên lửa nhỏ đến khi màu gạo chuyển vàng, tỏa mùi thơm.
- Việc nêm nếm gia vị, tăng hoặc giảm lượng nước trong khi nấu cháo còn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi gia đình.
- Liên tục khuấy cháo đều tay khi đang nấu, vặn lửa vừa để cháo không bị khét phần đáy nồi.
2. Gợi ý 3 cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh nhanh hồi phục
Dưới đây là 3 cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh hiệu quả được chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng:
2.1. Cháo trứng hành giúp giải cảm hiệu quả
Nguyên liệu nấu cháo trứng hành hoa:
- 70g gạo tẻ;
- 30g gạo nếp;
- 2 quả trứng gà;
- 50g hành hoa;
- Gia vị.
Cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh kiểu truyền thống như sau:
- Rửa sạch hành hoa, cắt nhỏ, cho vào bát.
- Trộn gạo nếp và gạo tẻ lại rồi vo với nước cho sạch.
- Đổ 750ml nước vào nồi, cho gạo vào ninh. Sau khi nước sôi, khuấy đều tay đến khi gạo mềm và nở bung.
- Đập trứng gà vào cháo, tiếp tục khuấy đều để trứng không bị vón cục.
- Đợi 3 – 5 phút cho trứng chín thì nêm gia vị vừa ăn, cuối cùng thêm hành lá vào cháo để gia tăng hương vị và chất lượng của món ăn.
Cháo trứng gà hành lá nên ăn lúc nóng để không bị tanh. Món ăn này phù hợp với người lớn, trẻ nhỏ bị mệt mỏi do cảm lạnh, cảm cúm gây ra. Trường hợp người lớn tuổi đang bị sốt, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, thận không nên ăn cháo trứng gà vì cholesterol trong trứng khá cao có thể khiến sức khỏe diễn biến xấu.
Xem thêm:
- Bật Mí 4 Cách Nấu Cháo Cồi Sò Điệp Ngon Miễn Bàn, Ấm Bụng Ngày Đông
- Cách Nấu Cháo Hạt Sen Đơn Giản Tại Nhà, Ai Cũng Có Thể Thực Hiện
2.2. Nấu cháo trứng gà tía tô
Cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh từ tía tô cũng tương tự như nấu với hành lá. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết sau.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 1 nắm gạo;
- 2 quả trứng gà ta;
- Lá tía tô tươi;
- Hành lá, gia vị.
Cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh với lá tía tô:
- Rửa sạch lá tía tô, để ráo nước rồi cắt nhỏ.
- Vo gạo, nấu cháo chín mềm, nêm gia vị, rắc thêm hành tím thái mỏng giúp giải cảm.
- Khi cháo nóng, đập trứng gà tươi vào, khuấy đều để trứng chín.
- Cho lá tía tô cắt nhỏ vào, nêm lại gia vị rồi tắt bếp.
- Dùng cháo khi nóng để phát huy công dụng tối đa.
2.3. Cháo thịt băm trứng gà
Đối với món cháo thịt băm trứng gà, bạn hoàn toàn có thể tự nấu trong thời gian 30 phút – 1 tiếng. Món cháo thơm ngon, giàu dinh dưỡng này khiến ai ăn cũng cảm thấy thòm thèm.
Nguyên liệu:
- 70g gạo tẻ;
- 30g gạo nếp;
- 2 quả trứng gà;
- 3 cây hành lá;
- 2 củ hành tím;
- 1 ít dầu ăn;
- Gia vị.
Cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh:
- Trộn gạo tẻ và gạo nếp lại, vo qua nước, đổ nước xâm xấp mặt rồi ngâm 2 – 3 tiếng để gạo nhanh nở và mềm hơn.
- Vo lại gạo một lần nữa, đổ vào nồi nấu cùng một ít nước trên lửa vừa trong 15 phút.
- Rửa sạch thịt heo, để ráo nước, cắt lát mỏng, băm nhuyễn rồi cho ra chén.
- Hành tím, hành lá lột vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Ướp thịt heo đã băm cùng nửa muỗng cà phê tiêu, nửa phần hành tím băm, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, một ít nước, trộn đều để thịt ngấm gia vị.
- Bắt chảo nóng, đổ dầu, phi thơm phần hành tím băm còn lại, xào sơ thịt cho săn trong 3 phút.
- Khi nồi cháo đã sôi và hơi đặc, cho thịt bằm vừa xào vào, nêm 1 muỗng cà phê muối, khuấy đều.
- Nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp, múc cháo ra tô, đập trứng gà vào khuấy đều, rắc thêm hành lá và tiêu lên bề mặt.
3. Gợi ý một số món cháo hấp dẫn thơm ngon khác cho người bệnh
Cháo dinh dưỡng là món ăn không thể thiếu khi chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng một số loại cháo khác cũng bổ dưỡng không kém. Dưới đây là 5 món cháo bạn có thể đan xen cùng cháo trứng gà để thực đơn của người bệnh thêm phong phú và đủ chất, giúp bữa ăn thêm ngon miệng hơn.
3.1. Cháo gà
Cháo gà là lựa chọn lý tưởng cho các bệnh nhân bị sốt. Bạn cần chọn thịt gà tươi ngon, được chế biến sẵn nhằm tiết kiệm thời gian nấu nướng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 200g gạo;
- 1 con gà;
- Nửa củ cà rốt;
- 1 nhánh gừng;
- Hành tây, hành khô, hành lá;
- Gia vị.
Các bước nấu cháo gà:
- Rửa gà qua nước cùng một tí muối để khử mùi tanh.
- Vo gạo, ngâm 2 – 3 tiếng để gạo nhanh mềm.
- Rang gạo trong chảo đến khi tỏa mùi thơm thì tắt bếp.
- Luộc gà và gạo với lửa vừa trong khoảng 1 tiếng. Khi nấu, bạn nên mở hé nắp nồi để nước không trào ra khi sôi.
- Hành tây và cà rốt cắt hạt lựu, hành lá cắt khúc, đập dập gừng, hành khô phi thơm.
- Khi thấy gà đã chín mềm thì cho các nguyên liệu trên vào nồi, nêm gia vị vừa ăn, nấu thêm 20 phút thì tắt bếp.
- Múc cháo ra tô, để hành lá và hành phi lên bề mặt.
3.2. Cháo cá hồi
Món cháo cá hồi dinh dưỡng rất có lợi cho người suy nhược cơ thể, người lớn tuổi đang ốm. Cá hồi sẽ giúp sức khỏe hồi phục nhanh, cải thiện tim mạch, phòng ngừa vấn đề về trí nhớ.
Nguyên liệu:
- Gạo;
- Lườn cá hồi;
- Gia vị.
Hướng dẫn nấu cháo cá hồi:
- Vo gạo, nấu cháo khoảng 20 phút để cháo nhừ.
- Làm sạch cá hồi, ngâm trong sữa tươi không đường khoảng 15 phút giúp khử mùi tanh, loại bỏ chất độc có trong cá hồi.
- Hấp chín cá hồi, để nguội, xé thành miếng nhỏ.
- Khi cháo nhừ thì cho cá hồi vào đảo đều, nấu thêm 1 – 2 phút, nêm gia vị rồi tắt bếp.
- Ăn cháo khi còn nóng, có thể cho thêm phô mai hoặc ăn kèm cải bó xôi để tăng thêm năng lượng.
3.3. Cháo lươn
Cháo lươn gây ấn tượng bởi hương vị cay nồng đặc trưng từ gừng, hành, ớt, sả, tiêu. Để món ăn thêm ngon, bạn hãy dùng kèm với ngò gai, rau răm. Thịt lươn vàng óng, mềm ngọt, dai dai đẫm màu vàng từ dầu điều và nghệ. Ngoài cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh thì bạn cũng nên bỏ túi thêm bí quyết nấu cháo lươn siêu bổ dưỡng này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1kg lươn;
- 200g gạo;
- Tỏi, ớt, hành khô, ớt, sả, hành lá;
- Gia vị.
Cách nấu cháo lươn cho người bị bệnh:
- Làm sạch lươn với muối, rửa cho hết nhớt rồi luộc chín.
- Tách thịt lươn, mang phần xương đi luộc khoảng 30 phút rồi dùng rây lọc lấy nước cốt.
- Rửa sạch, băm nhỏ tỏi, hành, sả, gừng, ớt, cắt khúc hành lá.
- Vo sạch gạo rồi nấu trong nước hầm xương lươn để nấu thành cháo, chú ý vặn lửa nhỏ.
- Khi cháo chín nhuyễn thì hớt bọt, nêm 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng muối, 1 muỗng bột ngọt rồi tiếp tục nấu.
- Phi hành, tỏi, sả, gừng, ớt băm cho thơm, đổ lươn vào xào rồi nêm thêm 1 muỗng dầu điều, 1 muỗng bột nghệ, nửa muỗng hạt nêm, nửa muỗng bột ngọt vào đảo thêm 5 phút thì tắt bếp.
- Canh đến lúc cháo có độ sệt vừa phải thì cho lươn vừa xào vào khuấy đều, nêm lại gia vị rồi tắt bếp.
- Múc cháo ra tô, cho thêm tiêu, hành lá, ớt tùy ý.
3.4. Cháo thịt bò
Nguyên liệu cần có:
- 1kg xương ống heo;
- 500g thịt bò;
- 200g gạo tẻ;
- 50g gạo nếp;
- Hành lá, hành tím, tía tô;
- Gia vị.
Cách nấu cháo thịt bò:
- Rửa sạch xương ống, chặt thành khúc nhỏ rồi luộc với nước để loại bỏ cặn bẩn bám trong xương. Mang đi rửa lại xương rồi cho vào nồi nước sôi, ninh nhừ trên lửa nhỏ để lấy nước cốt.
- Rửa sạch thịt bò, để ráo nước, cắt miếng mỏng.
- Lột vỏ hành tím, đập dập, cho lên chảo phi thơm.
- Nhặt hành lá, rau tía tô, rửa sạch, cắt sợi.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ rồi cắt sợi.
- Cho thịt bò đã cắt vào bát to rồi ướp cùng 1 muỗng bột ngọt, nửa muỗng muối, nửa muỗng hạt tiêu, 2 muỗng nước mắm, hành tím khoảng 20 phút để thịt bò thấm gia vị.
- Trộn gạo nếp và gạo tẻ, vo qua 2 – 3 lần nước rồi đổ vào nấu cùng nước hầm xương.
- Khi thấy hạt gạo đã nở, chín đều thì cho 4 muỗng nước mắm, gừng cắt sợi, 1 muỗng đường, nửa muỗng hạt tiêu, 1 muỗng bột ngọt vào cháo, dùng muỗng khuấy đều.
- Đến khi cháo sôi thì cho thịt bò đã ướp vào nấu cùng, đảo đều tay.
- Khi thịt bò đã chín thì tắt bếp, múc ra bát, cho thêm hành lá lên bề mặt.
3.5. Cháo bồ câu
Nguyên liệu:
- 200g gạo;
- 1 con chim bồ câu;
- 1 củ cà rốt;
- 100g hạt sen;
- Gia vị.
Các bước nấu cháo bồ câu:
- Vo gạo qua nước, để ráo.
- Bắt chảo lên bếp rang gạo đến khi chín vàng, tỏa mùi thơm.
- Cà rốt rửa sạch, cắt hạt lựu.
- Hạt sen rửa sạch, tách đôi, lấy tim sen ra ngoài để khi ăn không bị đắng.
- Cho gạo vừa rang vào nồi nước, nấu cháo đến khi thấy hạt gạo đã nở bung ra, nước sệt lại có độ sánh nhất định.
- Thịt chim bồ câu rửa sạch, băm nhuyễn, ướp cùng các gia vị cho vừa ăn.
- Cho thịt chim bồ câu vào chảo, xào sơ đến khi thịt săn lại thì cho vào nồi cháo.
- Tiếp tục cho hạt sen, cà rốt đã sơ chế vào nồi cháo nấu cùng đến khi các nguyên liệu đã mềm nhừ thì tắt bếp.
- Múc cháo chim bồ câu ra tô, để lên trên bề mặt một ít ngò rí và tiêu xay. Món này phải ăn khi còn nóng thì cơ thể mới hấp thụ được tối đa dưỡng chất từ nó.
Những món cháo trên đây này khá đơn giản, dễ làm, tiết kiệm chi phí, dễ ăn và giàu dinh dưỡng. Nếu bạn còn biết thêm cách nấu món cháo nào tốt cho người bệnh, đừng ngần ngại chia sẻ với jo3s. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn biết cách nấu cháo trứng gà cho người bệnh ngon, bổ dưỡng, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
thịt gà
trứng gà