Bật mí 4 cách nấu cháo cồi sò điệp ngon miễn bàn, ấm bụng ngày đông

Bật mí 4 cách nấu cháo cồi sò điệp ngon miễn bàn, ấm bụng ngày đông

Mùa đông này, bạn hãy học cách nấu cháo cồi sò điệp thơm ngon, gây “nghiện” ngay từ lần nếm thử đầu tiên. Cháo cồi sò là lựa chọn phù hợp vào ngày mưa hay trong thời tiết lạnh giá. Vị ngọt của sò điệp hòa quyện với cháo bung mềm chắc chắn sẽ khiến cả nhà tấm tắc khen ngon.

1. 4 cách nấu cháo cồi sò điệp thơm ngon

Cách nấu cháo cồi sò điệp khá đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Bạn hãy vào bếp để có ngay một nồi cháo hấp dẫn, bổ dưỡng chỉ sau 30 phút.

1.1. Cháo cồi sò điệp

Cách nấu cháo cồi sò điệp nguyên bản là lựa chọn số một của các bà, các mẹ vì vừa dễ chuẩn bị nguyên liệu, lại không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành.

Nguyên liệu cần có:

  • 180g gạo

  • 500g cồi sò điệp

  • 3 tép tỏi

  • 4 nhánh hành lá

  • 1/4 củ gừng

  • Dầu ăn

  • Gia vị

  • Hạt tiêu

Cách chế biến:

  • Bước 1: Ngâm cồi sò điệp trong nước ấm khoảng 5 phút rồi vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước và để ráo, đảm bảo sò được loại bỏ hết chất bẩn và đất cát

  • Bước 2: Rửa sạch gừng và hành lá, sau đó hành xắt nhỏ, gừng thái lát

  • Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo nóng, để sôi lăn tăn rồi bỏ tỏi vào phi thơm. Tiếp đó, cho cồi sò điệp cùng muối và hạt tiêu vào, đảo đều, xào trên lửa vừa từ 8 – 10 phút

  • Bước 4: Vo sạch gạo, bỏ vào nồi cùng nước rồi ninh cháo trong 25 phút

  • Bước 5: Bỏ sò điệp, hành lá và gừng vào cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn và ninh thêm 5 phút nữa

  • Bước 6: Múc cháo ra bát, thêm hạt tiêu và thưởng thức

Bật mí 4 cách nấu cháo cồi sò điệp ngon miễn bàn, ấm bụng ngày đông

Cháo cồi sò điệp có hương vị thơm ngon, phù hợp để ăn khi thời tiết trở lạnh

1.2. Cháo cồi sò điệp nấm rơm

Cháo cồi sò điệp kèm nấm rơm là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa hương vị ngọt thanh của cháo, sò điệp dai giòn và nấm rơm giòn sần sật.

Nguyên liệu cần có:

  • 100g gạo

  • 500g sò điệp đã làm sẵn

  • 30g nấm rơm

  • 20g lá hẹ

  • 3 củ hành tím cắt lát

  • 1/2 quả ớt

  • Dầu ăn

  • Gia vị

Cách nấu cháo cồi sò điệp với nấm rơm:

  • Bước 1: Rửa sò điệp thật sạch với nước, để ráo vào bỏ vào tô

  • Bước 2: Cho một nửa số hành tím cắt lát, hạt nêm, muối, dầu ăn và ớt vào bát sò, trộn đều và ướp trong 10 phút

  • Bước 3: Sơ chế nấm rơm và hẹ sạch sẽ, để ráo nước. Nấm rơm cắt đôi, hẹ thái nhỏ

  • Bước 4: Vo sạch gạo, bắc nồi lên bếp để ninh cháo trên lửa vừa

  • Bước 5: Cho dầu ăn vào chảo, chờ dầu nóng thì đổ hành tím phi thơm rồi cho sò điệp vào xào săn

  • Bước 6: Sử dụng chảo đã xào sò điệp trước đó để xào nấm rơm từ 3 – 5 phút

  • Bước 7: Bỏ nấm rơm và sò điệp đã xào vào nồi cháo, khuấy đều và ninh cháo cho đến khi chín mềm

  • Bước 8: Múc cháo ra bát, thêm hẹ, tiêu xay và thưởng thức

1.3. Cháo cồi sò điệp gạo lứt hạt sen

Cách nấu cháo cồi sò điệp gạo lứt với hạt sen rất độc đáo khi sử dụng xương gà để ninh nước hầm, giúp vị cháo đậm đà, ngọt thơm hơn.

Nguyên liệu:

  • 100g gạo lứt

  • 100g cồi sò điệp

  • 50g hạt sen

  • 300g xương gà

  • 1 nhánh gừng

  • 1 củ hành tím

  • 2 nhánh hành lá

  • 2 nhánh mùi ta

  • Rượu trắng

  • Dầu mè

  • Đường phèn

  • Gia vị

Bật mí 4 cách nấu cháo cồi sò điệp ngon miễn bàn, ấm bụng ngày đông

Cách nấu cháo cồi sò điệp cầu kỳ hơn cách nấu thông thường vì cần thêm nước dùng của xương gà

Cách chế biến:

  • Bước 1: Rửa sạch cồi sò điệp, bỏ thêm muối, rượu trắng, nước, rửa trong hỗn hợp này và xả lại một lần nữa với nước

  • Bước 2: Loại bỏ phần mỡ và da ở phần xương gà, sau đó chặt khúc

  • Bước 3: Rửa sơ gà với nước lạnh và chần sơ cho thịt săn lại, sau đó để ráo

  • Bước 4: Làm sạch gừng và hành tím, cắt lát

  • Bước 5: Cho hành và gừng vào chảo dầu mè nóng, phi thơm rồi đổ cồi sò điệp vào xào tiếp trong 5 – 7 phút

  • Bước 6: Rửa sạch và để ráo hạt sen, sau đó bỏ vào nồi cùng xương gà, nước và một chút muối, nấu trong vòng 20 phút trên lửa vừa

  • Bước 7: Tiếp tục cho gạo lứt vào nồi xương gà và nấu cho đến khi gạo bung nở

  • Bước 8: Khi gạo lứt đã mềm, bạn vớt xương gà ra khỏi nồi và cho sò điệp vào khuấy đều kèm các gia vị: hạt nêm, muối, đường phèn. Ninh nhừ cháo trong khoảng 7 – 10 phút nữa

  • Bước 9: Nêm nếm cháo vừa ăn rồi múc ra bát, rắc mùi ta lên và thưởng thức

1.4. Cháo cồi sò điệp rau củ

Cháo cồi sò điệp rau củ có màu sắc cực kỳ bắt mắt, là một gợi ý thú vị cho bạn trong những ngày mưa lạnh.

Nguyên liệu cần có:

  • Gạo

  • 500g cồi sò điệp

  • 5 quả trứng bắc thảo

  • 1 củ cà rốt

  • 200g nấm hương

  • 200g đậu hà lan

  • 1 nhánh gừng

  • 4 nhánh hành lá

  • Nước cốt chanh

  • Gia vị

Cách nấu cháo cồi sò điệp rau củ chuẩn vị:

  • Bước 1: Làm sạch cà rốt, bỏ vỏ và cắt hạt lựu

  • Bước 2: Tách lấy hạt phần đậu hà lan, rửa sơ với nước rồi để cho ráo

  • Bước 3: Sơ chế gừng, hành lá sạch sẽ với nước. Hành lá để riêng phần đầu hành, thân hành xắt nhỏ. Gừng lưu ý cắt sợi nhỏ.

  • Bước 4: Cắt bỏ gốc của nấm hương, ngâm nấm trong nước muối loãng khoảng 2 phút rồi rửa sạch, cắt miếng vừa ăn

  • Bước 5: Lột bỏ vỏ trứng bắc thảo, cắt trứng thành 8 phần

  • Bước 6: Vo sạch gạo và nấu cháo trên lửa vừa

  • Bước 7: Tiếp tục cho nấm và cà rốt vào nấu cùng cháo

  • Bước 8: Rửa sạch sò điệp trong nước rồi ngâm trong hỗn hợp nước muối – nước cốt chanh trong 4 – 5 phút để khử tanh

  • Bước 9: Vớt sò điệp ra để ráo, sau đó dùng khò lửa khò trên bề mặt sò điệp đến khi sò rám vàng

  • Bước 10: Cho đậu hà lan, đầu hành và cồi sò điệp vào nồi cháo

  • Bước 11: Cho 5 quả trứng gà vào nồi cháo và khuấy đều tay, nêm nếm gia vị vừa ăn và nấu thêm từ 5 – 10 phút nữa

  • Bước 12: Múc cháo ra bát, cho thêm gừng, hành lá và trứng bắc thảo kèm hạt tiêu và thưởng thức

2. Cách chọn mua sò điệp ngon

“Linh hồn” của món ăn này chính là cồi sò điệp, chính vì vậy, bạn cần phải lựa chọn nguyên liệu thật kỹ càng để cho ra thành phẩm tốt nhất. Mách bạn một số “tips” để mua cồi sò điệp đảm bảo tươi ngon, chuẩn bài:

  • Mua cồi sò điệp bán tại các cơ sở kinh doanh uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

  • Cần chọn các con sò điệp tươi, chắc thịt và có màu sắc hơi trong, không bị chảy nhớt, thâm đen

  • Bạn có thể chọn mua những con sò điệp còn sống và vỏ khép chặt

  • Không nên chọn các loại cồi sò điệp đã bị hỏng hoặc quá nhỏ

Bật mí 4 cách nấu cháo cồi sò điệp ngon miễn bàn, ấm bụng ngày đông

Bạn nên mua cồi sò điệp trong siêu thị hoặc các cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng kém chất lượng

3. Cách sơ chế sò điệp không tanh

Trong cách nấu cháo cồi sò điệp, bạn cần đặc biệt lưu tâm đến quá trình sơ chế. Sò điệp thường dễ bị tanh, nếu chế biến không cẩn thận có thể khiến cháo có mùi khác lạ, dễ ôi thiu và khó ăn. Chính vì vậy, bạn nên xử lý cồi sò điệp kỹ lưỡng với 3 cách dưới đây:

  • Cách 1: Rửa sạch cồi sò điệp rồi ngâm trong nước muối pha nước cốt chanh. Sau đó, bạn chỉ cần vớt ra và rửa sạch lại với nước và để ráo

  • Cách 2: Bóp cồi sò điệp với giấm hoặc với rượu cho hết nhớt và rửa lại bằng nước sạch

  • Cách 3: Chần sơ cồi sò điệp khoảng 1 – 2 phút trong nước sôi đã bỏ sả và gừng đập dập, sau đó để nguội

4. Yêu cầu thành phẩm đối với cháo cồi sò điệp

Một bát cháo cồi sò điệp hoàn hảo sẽ phải đảm bảo có độ mềm dẻo, thơm ngọt và dai giòn của cồi sò điệp. Cháo khi ăn cần có thêm vị cay nóng của gừng, hạt tiêu và chút bùi bùi của hành phi. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung các loại rau củ như nấm hương, nấm đùi gà hay bí đỏ để làm cho món ăn thêm phong phú và tạo nên công thức đa dạng trong cách nấu cháo cồi sò điệp.

4 cách nấu cháo cồi sò điệp sẽ là gợi ý hay ho cho các bà nội trợ khi muốn đổi món cho gia đình vào ngày đầu đông. Cháo sò điệp không chỉ ngon tuyệt cú mèo mà còn là món ăn giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Chúc các bạn thực hiện thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *