Cách làm củ kiệu ngon tuyệt cú mèo. Củ kiệu muối ngon, giòn và dễ làm giúp mâm cơm ngày Tết của bạn thêm hấp dẫn.
Củ kiệu là món ăn quen thuộc trên mâm cơm ngày Tết, là món ăn kèm giải ngấy lại rất đưa cơm. Nhưng không phải ai cũng biết cách làm củ kiệu có màu trắng đẹp mắt, hương vị hấp dẫn lại bảo quản được lâu.
1. Lựa chọn củ kiệu sao cho ngon
Trước khi đến với cách làm củ kiệu, chúng ta không thể bỏ qua công đoạn chọn lựa củ kiệu. Bạn nên chọn loại kiệu Huế sẽ giúp món kiệu bớt mùi hăng, giòn hơn, ngon hơn. Ngoài ra nên chọn kiệu có củ thon, trắng đều, không nên chọn củ quá to sẽ gây ra mùi hăng cho món kiệu và rất khó ngấm gia vị.
2. Cách làm củ kiệu muối chua truyền thống
Củ kiệu muối chua truyền thống mang đến hương vị thân quen của ngày Tết. Ăn cùng bánh chưng, thịt gà thì không còn gì bằng.
Nguyên liệu
- 1kg củ kiệu
- Giấm gạo
- Muối
Cách làm
Bước 1: Sơ chế củ kiệu
- Củ kiệu mua về ngâm với nước muối trong 8 tiếng để kiệu nhả bụi bẩn. Sau đó, rửa sạch củ kiệu với nước, cắt bỏ ngọn và rễ kiệu.
- Đem phơi khô dưới bóng râm khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Bước 2: Pha nước giấm
- Đun hỗn hợp gồm 1 lít nước, 40gr muối, 80ml giấm gạo và khuấy đều.
- Để nguội hỗn hợp đã đun. Không nên đổ hỗn hợp vào hũ kiệu khi còn nóng sẽ gây chín kiệu, mất độ giòn của kiệu.
Bước 3: Ngâm kiệu
Xếp củ kiệu vào hũ, sau đó đổ phần nước giấm đã nguội vào hũ kiệu, đậy kín nắp, đặt nơi thoáng mát khoảng 3 ngày là có thể dùng. Nếu củ kiệu ra quá nhiều nước, bạn nhớ chắt bớt và để kiệu đã ngâm sau 3 ngày vào tủ lạnh bảo quản nhé.
Xem thêm: Cách Làm Nộm Hoa Chuối Chống Ngán Ngày Tết Giòn Sần Sật Ai Cũng Mê
3. Cách làm củ kiệu chua ngọt
Củ kiệu muối chua ngọt không chỉ ngon giòn mà còn có tác dụng chống ngán. Cách làm củ kiệu muối sau đây rất đơn giản để bạn làm thành công ngay từ lần đầu tiên.
Nguyên liệu
- 1kg củ kiệu
- 500ml giấm
- 400gr đường
- Muối
Cách làm
Bước 1: Sơ chế và làm sạch củ kiệu
- Làm sạch bằng cách cắt bỏ phần rễ và đuôi, lột lớp vỏ ngoài của củ kiệu.
- Pha 1 lít nước với 80gr muối. Ngâm củ kiệu với nước muối đã pha trong khoảng 8 – 10 tiếng hoặc ngâm qua đêm.
- Vớt củ kiệu đã ngâm rửa sạch củ kiệu với nước.
- Đem củ kiệu phơi ở bóng râm. Dùng vải thưa hoặc vải mùng che lên kiệu để tránh bụi bẩn.
Bước 3: Pha nước chua ngọt
- Đun hỗn hợp 600gr đường cùng 300gr giấm cùng 1 lít nước, khuấy đều cho tan. Đợi hỗn hợp sôi rồi tắt bếp.
- Để nguội hỗn hợp.
Bước 4: Muối kiệu
- Để củ kiệu trắng và giòn hơn, ngâm củ kiệu với giấm trong 3 – 4 tiếng.
- Vớt củ kiệu cho ráo nước rồi xếp vào hũ, đổ hỗn hợp giấm và đường vào hũ. Để hũ tại nơi thoáng mát, sau 1 tuần là bạn đã có thể thưởng thức.
Thành phẩm kiệu muối ngon tuyệt
Củ kiệu sau khi muối có vị chua chua ngọt ngọt vừa miệng, màu trắng ngà đẹp mắt. Sau khi đã ngâm kiệu được 1 tuần bạn nên để hũ kiệu vào tủ lạnh để kéo dài thời gian bảo quản. Củ kiệu ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ sẽ là sự kết hợp hoàn hảo cho mâm cơm ngày Tết của bạn.
4. Củ kiệu muối cùng đu đủ, cà rốt mới lạ
Để món củ kiệu thêm phần lạ miệng, bạn có thể muối kiệu cùng một số loại rau củ khác. Củ kiệu muối cùng cà rốt, đu đủ cũng là một cách làm củ kiệu rất đáng thử.
Nguyên liệu
- 500gr củ kiệu
- 2 củ cà rốt
- Nửa quả đu đủ xanh
- Nước mắm
- 200gr đường cát
- 100gr đường phèn
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu sơ chế tương tự như ở hai cách làm trên.
- Đu đủ gọt vỏ và bỏ hạt bên trong, thái con chì.
- Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch thái con chì hoặc tỉa hoa tùy thích.
- Ngâm đu đủ và cà rốt với nước muối, rửa sạch lại và phơi nắng cùng củ kiệu.
Bước 2: Làm nước mắm chua ngọt
- Cho 3 thìa canh nước mắm cùng 100gr đường phèn vào nồi, bật bếp lửa nhỏ, đun đến khi đường phen tan thì cho 200gr đường cát vào, khuấy đều.
- Khi đường tan thì vặn to lửa để nước nhanh sôi. Sau đó đun nước mắm đường ở lửa nhỏ khoảng 10 phút.
Bước 3: Ngâm củ kiệu
- Để củ kiệu được giòn hơn, cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào ngăn mát tủ lạnh, để qua đêm.
- Xếp củ kiệu, cà rốt, đu đủ xen kẽ vào hũ cho đẹp mắt.
- Đổ nước mắm chua ngọt vào hũ.
- Sau khoảng 5 ngày, củ kiệu sẽ ra nhiều nước. Lúc này bạn nên chắt bớt nước ra để kiệu bảo quản được lâu.
Thành phẩm kiệu muối ngon tuyệt
Sau khi ngâm được khoảng 10 ngày, củ kiệu ngâm đã có thể thưởng thức. Lúc này bạn nên để hũ kiệu vào tủ lạnh để có thể bảo quản được lâu. Hương vị chua ngọt của nước mắm cùng độ giòn của củ kiệu, cà rốt, đu đủ giúp gia đình bạn giải ngấy ngày Tết lại đưa cơm vô cùng.
5. Củ kiệu có lợi cho sức khỏe
Ngoài có hương vị ngon miệng, củ kiệu còn có khả năng cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe mà ít người biết. Sau đây là một số công dụng của củ kiệu.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 60%
Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy, các hợp chất chống oxy hóa trong củ kiệu như axit lactic, vitamin A, đồng, kẽm sẽ giúp giảm cholesterol trong máu, tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn và làm sạch các mảng bám tích tụ tại thành mạch máu. Từ đó sẽ ngăn nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra, bảo vệ hệ tim mạch tốt hơn.
Chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe
Trong củ kiệu có chứa rất nhiều loại vitamin có lợi cho cơ thể như vitamin, axit amin. Ngoài ra còn chứa các khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, magie,… Các axit trong củ kiệu khi được muối chua cũng sẽ giúp việc hấp thụ các khoáng chất trở nên dễ dàng hơn.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Trong món kiệu muối vẫn còn giữ được một lượng lớn vitamin A, E và khoáng chất sắt, canxi, magie và lượng chất xơ giúp cơ thể phòng chống bệnh táo bón hiệu quả. Tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa cũng đặc biệt cần thiết trong ngày Tết, thời điểm mọi người ăn rất nhiều món khác nhau khiến hệ tiêu hóa bị ngưng trệ.
Tuy có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng những người nhiều khí hư, bị nóng trong cũng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều món này.
Xem thêm: Cách Làm Bắp Bò Ngâm Mắm Chua Ngọt Ngon Tụt Lưỡi Cho Ngày Tết
Vừa rồi là 3 cách làm củ kiệu với những hương vị hấp dẫn khác nhau. Hy vọng 3 cách làm trên sẽ giúp thực đơn ngày Tết của bạn thêm phần phong phú. Chúc bạn thực hiện thành công!