Mùa thu đến mang theo tiết trời se lạnh và những món ngon mùa thu cũng khiến bao người phải mê mẩn. Vậy đâu là những món ăn nên thử trong thời tiết này. Hãy để Job3s hướng dẫn bạn những công thức nấu nướng cực kỳ hay ho cho những món ăn này nhé. Đừng chần chừ nữa hãy cùng vào bếp ngay thôi nào !
1. Chả rươi – Món ngon mùa thu đặc sản Hải Dương chỉ có 1 mùa trong năm.
Rươi là một nhuyễn thể không xương sống trong họ Rươi. Chúng thường được tìm thấy trong các nền cát sỏi, mép khe đá hay đáy bùn cát. Rươi có hình dạng như con giun dẹp , dài từ 6-7cm, ngang 5-6mm. Hình dạng gồm nhiều đốt từ 5 – 65 đốt màu hồng nhạt, xanh nhạt hoặc đỏ hồng. Rươi chứa nhiều khoáng chất như sắt, photpho, canxi cũng như nhiều dưỡng chất: protid, tro, lipid.
Rươi được Đông y xem là vị thuốc cổ truyền, khuyên dùng để hỗ trợ và điều trị một số bệnh: tiêu chảy, kén ăn, khó tiêu, điều khí, hóa đờm,…cũng như nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng bệnh tật. Một nguyên liệu cho đặc sản mùa thu mà chỉ sinh sống và phát triển ở nhiều các tỉnh miền Bắc như: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và thường được thu hoạch vào các tháng 9, 10, 11 âm lịch hàng năm. Chính vì thế mà rươi trở thành một món ngon mùa thu rất đặc biệt. Chả rươi một món ăn dễ làm, dễ ăn nhưng vô cùng đặc biệt vì đặc tính của nguyên liệu chính món ăn này.
1.1. Nguyên liệu thực hiện món Chả rươi
-
Rươi: 300g
-
Thịt xay: 150g
-
Trứng gà/Trứng vịt: 2 quả
-
Vỏ quýt: ⅓ quả
-
Hành lá, thì là, lá lốt, rau mùi, gừng, hành khô
-
Gia vị cần thiết
1.2. Sơ chế nguyên liệu
-
Bí quyết để làm được món chả rươi là phải chọn được rươi thật tươi. Để chọn những con còn tươi và ngon bạn nên chọn những con mập mạp, màu hồng, vẫn còn động đậy. Bởi khi đem đi đánh nhuyễn chúng sẽ mang tới màu sắc đẹp mắt và tươi ngon cho món ăn.
-
Rươi sau khi mua về các bạn rửa sạch bằng nước, đổ vào một cái tô hoặc cái xoong to. Loại bỏ lông rươi và các chất bẩn bám quanh rươi bằng nước nóng 70°C. Sau đó rửa sạch lại với nước 1-2 lần cho sạch, để ráo nước. Khi rửa rươi bạn cần làm nhẹ tay tránh là rươi bị nát chảy hết nước trong rươi ra ngoài.
-
Bạn cần đánh rươi để rươi được tơi ra, đánh vừa phải không nên đánh quá nhuyễn, khi ăn sẽ mất đi cảm giác bùi và ngậy, khi ăn lâu lâu nhai trúng miếng rươi mới ngon.
-
Để quyết định độ thơm của món ăn, các gia vị hành lá, thì là, rau mùi, lá lốt, vỏ quýt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các bạn rửa sạch để ráo nước rồi băm thật nhỏ. Chúng không chỉ gia tăng thêm vị ngon mà còn giảm mùi tanh của rươi.
1.3. Cách thực hiện món Chả rươi
-
Thịt xay bạn cho cùng với rau đã băm nhỏ trộn đều với nhau, đánh thêm trứng vào trộn cùng, sau khi đã trộn đều các bạn cho rươi vào đánh chung. Thêm một ít tiêu, hạt nêm và gia vị vào đánh đều.
-
Khi trộn rươi các bạn nên trộn bằng đũa vì dùng đũa giúp chả rươi được đều và bông hơn.
-
Bắt ngay cùng mình một chảo dầu, khi dầu nóng bạn lấy muỗng xúc từng muỗng hỗn hợp đã trộn đều vào dầu thành từng lớp dày 2cm.
-
Rươi rất nhanh chín nên khi các bạn chiên cần để ý, lửa vừa, lật đều mặt. Chiên 2 mặt chín vàng đều là vớt ra được.
Các tiêu chí đảm bảo miếng chả rươi được chiên thành công đó là:
-
Hai mặt chiên có màu vàng nâu, không bị cháy đen
-
Khi ăn có cảm giác giòn, chắc, không bị vỡ, không nhiều dầu
-
Bên ngoài giòn mà bên trong mềm
- Hương vị thơm ngon, lạ miệng của rươi không giống với những món thịt rán khác. Món ăn này mang lại vị ngọt đậm của thịt tươi, vị thanh của vỏ quýt, hương thơm từ lá thì là, gừng, rau mùi.
Một số lưu ý khi ăn chả rươi:
-
Vì là loại thủy sinh nên rươi có chứa các chất gây cơn hen nên người bị hen suyễn không nên ăn.
-
Những người dị ứng với hải sản, dị ứng đạm đặc biệt là phụ nữ có thai không nên sử dụng vì rươi chứa lượng đạm cao.
-
Đối với trẻ nhỏ nên ăn một lượng nhỏ để đảm bảo hệ tiêu hóa của trẻ.
-
Không nên dùng rươi đã chết, vỡ nát, bị phân hủy vì sẽ sinh ra các chất gây hại cho cơ thể, thậm chí là cả tính mạng.
Món chả rươi do chính tay mình làm ra thì chắc chắn sẽ được mọi người đánh giá cao. Không chỉ ở khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn chứa đựng sự tỉ mỉ, chăm chút khi bạn chính tay chế biến một món ngon mùa thu thơm ngon, bổ dưỡng.
2. Lẩu cua đồng – Món ngon mùa thu phù hợp với khí trời se lạnh này.
Trong các không khí trời se lạnh những tháng cuối năm này được quây quần bên 1 nồi lẩu nóng bên gia đình quả là một cảm giác tuyệt vời. Tiếp đến trong danh sách các món ngon mùa thu, chúng ta chắc chắn không thể bỏ qua món lẩu cua đồng – một món ăn ngon, thanh mát và mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Hãy học ngay bí quyết nấu lẩu thơm ngon chuẩn vị dưới đây nhé!
2.1. Nguyên liệu thực hiện món Lẩu cua đồng
-
Cua đồng: 1kg
-
Thịt bò: 200g
-
Đậu hũ: 2 miếng
-
Bún tươi: 1kg
-
Cà chua: 3 trái
-
Sả: 2 nhánh
-
Rau ăn kèm
-
Gia vị cần thiết
2.2. Sơ chế nguyên liệu
-
Cua mua về rửa sạch sau đó lột mai, loại bỏ phần yếm và miệng cua.
-
Thân cua ngâm nước muối trong 15 phút để loại bỏ các kí sinh, sau đó vớt ra rửa sạch bằng nước. Gạch cua lấy muỗng tách riêng ra để vào bát.
-
Giã nhuyễn cua cho nhuyễn rồi dùng rây để lọc, lọc chung với nước lọc sao cho lấy được 3 lít nước cốt cua. Hãy thêm 1 chút muối vào nước cốt cua để riêu cua đóng thành từng bánh ngon hơn khi nấu nhé.
Cách chọn cua ngon:
Xem thêm: Lưu Ngay Cách Nấu Súp Cua Cho Bé Dưới 1 Tuổi Thơm Ngon Cực Dinh Dưỡng
Vì là lẩu cua đồng nên cua được xem là nguyên liệu chính của món ăn. Vì thế lựa chọn những con cua như thế nào để đem lại cho nồi lẩu một hương vị thơm ngon rất là vô cùng cần thiết.
- Màu sắc: Bạn nên chọn những con cua có màu cam và màu xám sẽ cho nhiều thịt hơn, nhiều gạch hơn
-
Độ nhanh nhạy: Bạn chọn những con bò càng nhanh, càng khỏe thì chúng càng chắc càng tươi ngon và tuyệt đối không mua cua đã chết vì chế biến món ăn không còn được hương vị đặc trưng nữa, gây tiêu chảy và các bệnh về đường tiêu hóa.
-
Hình dáng: Khi bạn nhấn bụng cua thấy cứng, chắc không bị lún xuống thì đó chắc chắn là cua ngon.
Lưu ý đặc biệt khi mua cua đó là không nên mua cua vào thời gian giữa tháng vì lúc này thịt cua bị bở, ít thịt, không ngon.
2.3. Cách thực hiện món Lẩu cua đồng
-
Phi hành và cà chua trên bếp cho thơm, thêm 1 chút đường để tạo màu sắc ánh vàng đẹp mắt, cho gạch cua vào đảo đều trong 5 phút rồi tắt bếp.
-
Đun nước cốt cua trên bếp, thêm 1 chút bột canh, mì chính, hạt nêm sao cho vừa ăn rồi đun nhỏ lửa cho đến khi riêu cua nổi lên trên mặt nước thì tắt bếp, vớt riêu cua ra riêng. Nhớ khuấy nhẹ 1-2 lần để riêu cua không bị cháy dưới đáy nồi nhé. Không nên khuấy nhiều nếu không riêu cua sẽ bị nát.
-
Vớt riêu cua xong, đun nhỏ lửa rồi cho hỗn hợp gạch cua và cà chua đã xào vào, cho sả vào rồi đun cho sôi. Khi nào ăn thì cho đậu đã rán vào, thả riêu cua vào rồi đun nóng lên thưởng thức thôi nào.
-
Nên thưởng thức riêu cua trước sau đó nhúng các thứ còn lại vào sau, lẩu riêu cua ngon nhất là riêu cua kết thành bánh lớn ăn rất tuyệt vời. Lẩu riêu cua ăn kèm với bún tươi sẽ ngon hơn rất nhiều.
-
Nước lẩu có vị ngọt tự nhiên và đậm đà từ thịt cua, vị thơm từ gạch ăn kèm cùng với đậu hũ và thịt bò mang lúc nóng mang lại cảm giác ấm áp trong cái thời tiết se lạnh này. Một món ngon mùa thu được mọi người tin dùng trong những ngày trời trở lạnh.
3. Cháo sườn – Món ngon mùa thu không thể bỏ qua
Các món cháo luôn là sự lựa chọn tin cậy nhất mỗi khi thời tiết sang thu. Cháo sườn một món ăn bình dị nhưng cũng là một món ngon mùa thu bạn nhất định phải thử. Món ăn này phù hợp cho cả trẻ nhỏ tới người già. Không khó để bạn nấu được một nồi cháo sườn thơm mềm, sánh dẻo vị đậm đà ngay tại nhà. Hãy tham khảo ngay cách nấu dưới đây thôi nào.
3.1. Nguyên liệu thực hiện món Cháo sườn
-
Sườn heo: 500g
-
Bột gạo tẻ: 100g
-
Bột gạo nếp: 10g
-
Bánh quẩy: 100g
-
Hành lá cắt nhỏ
-
Chà bông
-
Gia vị khác: Bột canh, nước mắm, ớt băm, tiêu xay,…
Lưu ý: Sườn heo là nguyên liệu quan trọng không thể thiếu trong món cháo sườn, việc chọn sườn heo như thế nào quyết định đến sự thành công của món ăn. Nên chọn sườn tươi còn mới có màu hồng nhạt, có độ đàn hồi tốt và săn chắc. Bạn nên chọn sườn nhỏ vừa và dẹt thì sẽ nhiều thịt hơn.
3.2. Sơ chế nguyên liệu
Bước 1: Pha bột gạo và bột nếp
-
Pha 100g gạo tẻ với 10g bột nếp vào 250ml nước trong tô lớn. Khuấy đều để bột tan hoàn toàn rồi để yên trong 3 tiếng.
-
Sau 3 tiếng, bột đã lắng xuống đáy tô, bàn bỏ phần nước bên trên đi giữ phần bột phía dưới rồi thêm lượng nước mới tương vào lại rồi khuấy đều.
-
Cũng để bột nghỉ trong 3 tiếng, thực hiện như vậy 2-3 lần. Cuối cùng bạn chắt nước rồi giữ lại phần bột lắng để nấu cháo.
Bước 2: Sơ chế và hầm sườn heo
-
Sườn heo rửa sạch rồi trần qua nước sôi trong 2-3 phút. Sau đó vớt ra rồi trần với nước lạnh.
-
Tiếp theo bạn bắt nồi nước rồi hầm sườn heo với 800ml nước lọc trong 1 giờ để sườn heo thật mềm và ngọt nước. Nhớ hầm lửa nhỏ nhé.
Bước 3: Lọc thịt heo
-
Sườn sau khi đã chín mềm, bạn vớt ra rồi lọc lấy thịt và sụn (nếu có). Phần nước ninh sẽ được dùng để nấu cháo.
-
Ướp thịt với 1 muỗng cà phê mắm trong 10 phút để thấm gia vị.
3.3. Cách thực hiện món Cháo sườn
Xem thêm: Cách Nấu Cháo Sườn Heo Ngon Đơn Giản, Nhanh Mềm Không Phải Ai Cũng Biết
-
Cho phần bột đã ngâm vào trong nồi nước hầm sườn vừa nãy, nhớ vớt phần váng mỡ nổi trên bề mặt nhé.
-
Đun trên bếp với lửa nhỏ. Khuấy đều để bột sánh mịn, tránh bị dính đáy nồi.
-
Đậy nắp và đun sôi nhẹ trong 20 phút. Cho phần thịt đã lọc vào, thêm vào đấy 2 muỗng cà phê bột canh. Khuấy đều rồi đậy nắp trong 5 phút.
-
Múc cháo nóng ra bát, cho thêm 1 ít hành lá, chà bông, một chút tiêu xay và bánh quẩy là có thể thưởng thức.
-
Món cháo sườn có phần cháo sánh mịn cùng với thịt sườn chín mềm ngấm gia vị, độ thơm của tiêu xay cùng với độ giòn của bánh quẩy sẽ khiến bất kỳ ai thưởng thức đều say đắm món ngon mùa thu này ngay lập tức.
Trên đây là 3 món ngon mùa thu các bạn nên thử trổ tài cho gia đình mình. Đây đều là những món ăn dễ làm với những nguyên liệu cực dễ tìm. Hãy bổ sung ngay những món ăn trên vào thực đơn của gia đình bạn ngay nhé. Chúc các bạn vào bếp thành công !