Nếu biết cách bảo quản nghệ đúng chuẩn, bạn hoàn toàn có thể giữ loại gia vị này hàng năm trời mà không lo bị hỏng. Lưu ngay các phương pháp bảo quản nghệ vừa đơn giản vừa hữu ích được bật mí trong bài viết sau.
Nghệ là loại gia vị quen thuộc từ xa xưa, có màu vàng tươi và mùi thơm nồng. Không chỉ được sử dụng để làm gia tăng hương vị cho các món ăn, nghệ còn được biết đến với nhiều công dụng như:
-
Làm đẹp da, mờ sẹo
-
Chống viêm
-
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
-
Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bị ung thư
-
Hỗ trợ tăng cường một số chức năng não
Mỗi loại gia vị thường có cách bảo quản khác nhau, nếu làm đúng bạn có thể kéo dài thời gian sử dụng lên đến cả năm mà không lo bị hỏng.
1. Một số dấu hiệu cho thấy nghệ tươi sắp hỏng
Muốn bảo quản nghệ đúng chuẩn trước tiên bạn nên biết các dấu hiệu cho thấy nghệ sắp hỏng, bởi khi đó bạn có thể loại bỏ những củ không tốt, tránh lây lan ra tất cả.
Dưới đây là một số dấu hiệu mà bạn có thể tham khảo:
-
Về mùi hương: Nghệ sắp bị hỏng sẽ có mùi vô cùng hôi, khó chịu, có thể nhận ra vô cùng rõ ràng. Khi xuất hiện dấu hiệu này nghĩa là nghệ đã hỏng nặng, nếu không loại bỏ sẽ có nguy cơ lan ra tất cả.
-
Về bề mặt vỏ: Nghệ tươi tuy có vỏ khô nhưng chỉ cần cầm lên cạo nhẹ sẽ thấy phần thịt vàng bên trong vô cùng rõ ràng. Ngược lại với nghệ có dấu hiệu hỏng sẽ có phần vỏ khô và nhăn nheo, nếu không thì loại nghệ này cũng đã để được một thời gian rất dài.
-
Về phần vỏ ngoài: Nghệ bị hỏng có thể sẽ xuất hiện cả các vết nấm mốc, nấm đen nên bạn cần hết sức chú ý, bởi nhiều người dễ lầm tưởng đó là bụi bẩn mà bỏ qua dấu hiệu này.
-
Về phần thân: Nếu cầm, nắm nghệ thấy có mềm hoặc nhũn, nghĩa là nghệ đó đã bị hỏng.
Trong trường hợp phát hiện ra một trong những dấu hiệu trên, hãy ngay lập tức loại bỏ phần nghệ đó đi để tránh làm lan ra những phần nghệ chưa bị hỏng, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi sử dụng nghệ bị hỏng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể như làm rối loạn tiêu hóa, gây ra phản ứng dị ứng hoặc phát ban…
Xem thêm: Những tác dụng của nghệ khi uống vào sáng sớm lúc đói bụng có thể khiến bạn bất ngờ
2. Hướng dẫn cách bảo quản nghệ đúng chuẩn
Nghệ có thể được chế biến thành nhiều dạng như nghệ tươi, nghệ xay, nghệ khô, tinh bột nghệ… Đối với mỗi loại, cách bảo quản nghệ thường không giống nhau nên bạn cần hết sức chú ý để có thể làm đúng nhất.
2.1. Cách bảo quản nghệ tươi
Cách bảo quản nghệ tươi tốt nhất là rửa sạch và để nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với không khí. Cách bước để bảo quản nghệ tươi gồm:
-
Rửa sạch và lau khô bằng giấy hoặc khăn sạch. Sai lầm của nhiều người khi bảo quản nghệ mà không biết bụi bẩn bám ngoài là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nghệ bị hỏng. Vì đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi và phát triển.
-
Sau khi lau khô cho nghệ vào túi ni lông hút chân không hoặc hộp kín.
-
Để nghệ vào ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 – 7 độ. Trong trường hợp nhà không có tủ lạnh, bạn có thể để ở nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh sáng mặt trời.
Không khí, ánh sáng và độ ẩm là 3 yếu tố quan trọng nhất để bảo quản nghệ được lâu, do đó dù bảo quản bằng cách nào cũng nên đảm bảo những điều này.
2.2. Cách bảo quản bột nghệ xay
Nghệ tươi xay là một trong những gia vị phổ biến trong nhiều món ăn, khi làm nước sốt, nước lèo hoặc cà ri. Nhiều người thường có thói quen xay một lần và sử dụng dần để tiết kiệm thời gian.
Cách để bảo quản nghệ tươi đã xay không hề phức tạp, bạn chỉ cần cho nghệ vào trong túi hoặc hộp đóng kín, sau đó để ở ngăn mát tủ lạnh nếu muốn sử dụng trong 1 vài ngày.
Trường hợp muốn giữ được lâu hơn bạn nên cho vào túi ziplock và bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh. Tuy nhiên với nghệ tươi đã xay lời khuyên là nên sử dụng trong ngày, cũng không nên để quá lâu để tránh ảnh hưởng đến chất lượng.
2.3. Cách bảo quản tinh bột nghệ
Một trong những sản phẩm cũng được nhiều người sử dụng là tinh bột nghệ. Cách bảo quản tinh bột nghệ vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần cho vào hộp nhựa, lọ thủy tinh khô hoặc túi hút chân không rồi đặt ở nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời là được.
Thông thường nếu làm theo cách này, ở điều kiện bình thường bạn có thể giữ cho bột nghệ cả năm, thậm chí là 2 năm. Tuy nhiên thời gian bảo quản cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại sản phẩm và thời tiết, độ ẩm.
Đối với bột nghệ được sản xuất công nghiệp: Thông thường loại bột nghệ này sẽ được thêm vào một số chất bảo quản nên có thời hạn sử dụng 24 tháng. Tuy nhiên đó là thời hạn bảo quản khi chưa mở nắp. Khi đã mở nắp sử dụng, bột nghệ đã tiếp xúc với môi trường, thời gian sử dụng tốt nhất là từ 6 – 12 tháng, để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng sản phẩm.
Còn đối với tinh bột nghệ được làm tại nhà: Thường không có chất bảo quản cũng như không thể tuân thủ quá trình tẩm sấy nghiêm ngặt như sản xuất công nghiệp, chỉ nên bảo quản và sử dụng trong thời gian từ 1 – 2 tháng. Sau mỗi lần sử dụng tinh bột nghệ, bạn nên đậy nắp thật chặt, tránh để ánh sáng tiếp xúc, sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và hương vị.
Xem thêm: Uống tinh bột nghệ có tác dụng gì? 3 nhóm người không nên uống tinh bột nghệ kẻo gặp nguy
2.4. Cách bảo quản nghệ ngâm với mật ong
Nhiều gia đình còn thường ngâm nghệ tươi với mật ong, vừa là một cách bảo quản vừa giúp tăng thêm giá trị dinh dưỡng của nghệ. Nghệ ngâm mật ong có rất nhiều công dụng hữu ích với sức khỏe, đặc biệt là giúp cho da trở nên sáng mịn, tươi trẻ và giảm tình trạng đau dạ dày.
Cách bảo quản nghệ trong trường hợp này cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch và thái nghệ thành lát mỏng, cho vào lọ thủy tinh và đổ mật ong vào ngâm. Khi đổ chú ý không cần đổ quá đầy, chỉ cần ngập nghệ là được, tránh để mật ong tràn ra ngoài khi đóng, mở nắp.
Chỉ cần đậy kín nắp, để ở nơi khô ráo, thoáng mát là bạn có thể bảo quản cả vài tháng. Trong trường hợp muốn giữ lâu hơn, chỉ cần để vào ngăn mát tủ lạnh là được.
3. Bật mí mẹo chọn mua nghệ tốt
Cách bảo quản nghệ không hề phức tạp, ngoài các yếu tố về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ bạn cũng nên chú ý thêm cả chất lượng của nghệ. Nếu chất lượng ban đầu của nghệ không tốt, dù bạn có bảo quản thế nào cũng không thể giữ được lâu.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chọn mua được nghệ tốt:
-
Đối với nghệ thường nên chọn những củ có vỏ màu vàng tươi, còn nếu mua nghệ đỏ nên chọn những củ có màu cam vàng đậm, thiên ngả sang màu đỏ.
-
Khi mua nghệ hãy chú ý đến phần vỏ. Nghệ tốt thường có lớp vỏ tương đối mỏng, bề mặt nhẵn, trơn, không có nhiều nếp nhăn, chỉ cần dùng móng tay cạo nhẹ là thấy được phần thịt vàng bên trong.
-
Mặc dù phần vỏ tương đối mỏng nhưng nghệ tốt vẫn phải có độ cứng nhất định. Bạn có thể thử bẻ một mẩu nhỏ, nếu cảm thấy dễ bẻ, giòn và cứng thì đó là nghệ tươi. Ngược lại nếu khi bẻ thấy khó, sờ vào thấy mềm thì nghệ đó bị úng nước và không còn tươi nữa.
-
Không nên mua nghệ có màu lạ ở phần vỏ, bị thâm hoặc có nốt sần. Nếu bẻ 1 mẩu nghệ, quét lên giấy hoặc vải trắng mà có màu sáng thì đó là nghệ tươi, còn có màu sẫm thì không nên mua.
-
Không nên mua nghệ đã bị mọc mầm để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị khi chế biến.
4. Một số lưu ý khi sử dụng nghệ
Mục đích khi tìm hiểu về cách bảo quản nghệ là giữ cho loại gia vị này có chất lượng tốt nhất khi sử dụng. Thế nhưng dù cách bảo quản nghệ có đúng đến mấy mà dùng sai cách, cũng không có ý nghĩa, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe.
Vậy khi sử dụng nghệ cần lưu ý điều gì?
-
Dùng nước ấm để pha bột nghệ, tránh sử dụng nước quá nóng để không làm ảnh hưởng đến dưỡng chất của nghệ.
-
Không sử dụng các món ăn chứa nghệ hoặc uống nghệ khi bụng rỗng hoặc quá đói.
-
Không nên lạm dụng nghệ vì có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, khó cầm máu.
-
Những đối tượng nên hạn chế sử dụng nghệ gồm: phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ, người sử dụng thuốc điều trị chống đông máu hoặc bệnh liên quan đến tiểu cầu.
5. Nên sử dụng nghệ tươi hay nghệ khô?
Rất nhiều người hiện nay còn phân vân không biết nên sử dụng nghệ tươi hay nghệ khô thì tốt hơn?
So sánh về công dụng, trên thực tế nghệ tươi và nghệ khô không có quá nhiều điểm khác biệt, công hiệu cũng tương tự nhau. Điểm khác nhau giữa hai loại nghệ này là các trường hợp sử dụng.
Đối với nghệ tươi, bạn có thể sử dụng trong nấu ăn để tạo màu hay thoa trực tiếp vào vết thương để giúp nhanh liền sẹo.
Đối với bột nghệ khô, bạn cũng có thể sử dụng tương tự trong nấu ăn, ngoài ra có thể trộn với mật ong để làm một số bài thuốc như chữa đau dạ dày.
Bởi vậy việc sử dụng nghệ tươi hay nghệ khô còn phụ thuộc vào nhu cầu của từng người. Tuy nhiên bột nghệ khô có thể để được lâu hơn nên được nhiều người ưa chuộng sử dụng hơn cả.
Biết được cách bảo quản nghệ sẽ giúp cho bạn giữ được loại gia vị này cả năm mà không lo bị hỏng, vừa tiết kiệm được chi phí vừa có sẵn để sử dụng ngay khi cần. Tuy nhiên do nghệ có tính nóng nên trong quá trình sử dụng hãy chú ý liều lượng để tránh gây hại cho cơ thể.