9 cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm dưới đây sẽ giúp cho các bà mẹ không còn phải lo lắng nghĩ công thức mới, dù ăn cháo ngô cả tuần bé cũng không thấy ngán.
1. Ngô có thành phần dinh dưỡng như thế nào?
Ngô là một trong những loại thực phẩm cực kỳ quen thuộc trong những bữa cơm gia đình. Được xem là một loại rau củ lành tính và giàu chất dinh dưỡng nên ngô được rất nhiều mẹ sử dụng để nấu cháo ăn dặm cho bé. Trung bình một bắp ngô cỡ vừa, khoảng 102g sẽ cung cấp cho cơ thể:
-
Hàm lượng tinh bột cao: 19g
-
Chứa lượng đường nhỏ: 6,4g
-
Giàu chất xơ: 2g
-
Giàu protein: 3,3g
-
Chất béo thấp: 1,4g
-
Có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như vitamin C, vitamin E, vitamin B9. Đặc biệt có chứa nhiều beta carotene, một chất tiền vitamin A.
2. 9 Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm
Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm không hề phức tạp, nguyên liệu lại đơn giản và dễ kiếm, chỉ cần thay đổi nguyên liệu một chút là có ngay một công thức mới. Dưới đây là 9 cách nấu cháo ngô đơn giản, dễ làm cho bé mà ai cũng có thể thực hiện được.
2.1. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm với trứng gà
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: Khoảng 100g
-
Ngô: 1 bắp cỡ vừa
-
Trứng gà: 1 quả
-
Dầu oliu dành cho trẻ nhỏ
Cách làm:
-
Vo kỹ gạo để loại bỏ chất bẩn, rồi ngâm trong nước khoảng 30 phút cho hạt gạo mềm, khi nấu sẽ nhanh chín hơn. Hết 30 phút thì cho gạo vào nấu cháo.
-
Ngô bóc vỏ, tách hạt rời sau đó rửa sạch rồi cho vào một nồi khác để hấp chín. Khi ngô đã chín thì mang ra xay nhuyễn.
-
Trứng gà đập vào bát và đánh đều cho lòng trắng và lòng đỏ hòa quyện vào nhau.
-
Khi cháo đã chín và sôi lục đục, đổ trứng vào và khuấy từ từ cho tan hết. Làm tương tự với ngô đã xay nhuyễn.
-
Tiếp tục đun nhỏ lửa thêm 2 – 3 phút, chú ý khuấy đều tay để cháo không bị dính nồi.
-
Múc cháo ra bát và trộn với 1 chút dầu ăn, trộn đều và để nguội bớt rồi cho bé ăn.
Món này phù hợp cho bé từ 8 tháng tuổi trở lên, khi hệ tiêu hóa đã dần ổn định.
Xem thêm: 5 cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm thơm ngon, kích thích vị giác của bé
2.2. Cách nấu cháo ngô với thịt gà
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: 30g
-
Gạo nếp: 30g
-
Ngô ngọt: 1 bắp nhỏ
-
Ức gà: 50g
-
Bông cải xanh: 30g
-
Dầu oliu
Cách làm:
-
Vo gạo thật kỹ rồi cho tất cả vào nồi, thêm 500 – 600ml nước, sau đó nấu thành cháo.
-
Thịt gà rửa sạch bụi bẩn, sau đó cho vào nồi luộc chín. Lấy phần thịt ra xay nhuyễn hoặc băm nhỏ tùy thuộc vào độ ăn thô của bé.
-
Ngô bóc vỏ, loại bỏ phần râu rồi rửa sạch, tách lấy phần hạt. Cho tất cả hạt vào máy xay, thêm 1 chút nước xâm xấp mặt hạt rồi xay thật nhuyễn.
-
Bông cải xanh tách lấy bông tròn xanh, loại bỏ phần cuống, rửa sạch sau đó hấp chín kỹ rồi mang ra xay nhuyễn cùng 50ml nước.
-
Khi thấy cháo đã chín, lần lượt cho bông cải và ngô đã xay nhuyễn vào cùng cháo rồi đảo cho thật đều tay.
-
Chờ một lúc cho bông cải và ngô chín, sau đó thêm thịt gà đã xay vào, tiếp tục khuấy đều cho đến khi chín kỹ,
-
Múc cháo ra bát, có thể thêm một thìa dầu oliu tùy khẩu vị để bé dễ ăn hơn.
2.3. Cách nấu cháo ngô với thịt lợn cho bé
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: 100g
-
Ngô nếp hoặc ngô ngọt: 1 bắp cỡ nhỏ
-
Thịt lợn nạc: 60g
-
Dầu ăn dặm cho trẻ
Cách làm:
-
Vo sạch gạo và ngâm trong thời gian từ 20 – 30 phút cho gạo nở mềm rồi mang nấu thành cháo.
-
Thịt lợn nạc sơ chế thật kỹ, rửa sạch rồi xay nhuyễn.
-
Ngô ngọt bóc vỏ, bỏ phần râu, sau đó tách lấy hạt rồi cho vào máy xay, thêm 100ml nước lọc rồi xay nhuyễn.
-
Trong quá trình nấu cháo thi thoảng dùng muôi khuấy đều để cháo không dính vào đáy nồi. Khi thấy cháo đã chín thì cho phần thịt đã xay vào đảo đều tay.
-
Tiếp tục cho phần ngô đã xay nhuyễn vào, khuấy đều và đun lửa vừa rồi nhỏ dần trong thời gian từ 5 – 7 phút để ngô chín thật kỹ.
-
Múc cháo ra bát, có thể thêm dầu ăn dặm tùy vào khẩu, để cho nguội bớt rồi cho trẻ ăn.
2.4. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm với tôm tươi
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: 100g
-
Ngô ngọt: 1 bắp nhỏ
-
Tôm tươi: 2 con
-
Hành tím: ½ củ
Cách làm:
-
Gạo vo sạch rồi thêm 600ml, nấu thành cháo. Trong trường hợp trẻ muốn ăn đặc hay lỏng hơn, bạn có thể gia giảm lượng nước cho phù hợp.
-
Trong thời gian chờ cháo chín, bóc vỏ ngô và loại bỏ phần râu, rửa sạch rồi tách lấy hạt. Cho tất cả hạt ngô vào máy xay, thêm một chút nước xâm xấp với mặt hạt rồi xay thật nhuyễn.
-
Tôm bóc vỏ, cắt bỏ râu, đuôi và rút chỉ đen ở sống lưng, sau đó băm hoặc xay nhuyễn.
-
Hành tím bỏ vỏ, băm thật kỹ rồi phi thơm, khi thấy hành chuyển màu thì cho tôm vào xào cho đến khi thịt săn lại.
-
Mở nồi cháo, khuấy đều rồi cho phần ngô đã xay vào, đảo đều tay cho ngô quyện vào cháo. Sau đó thêm tôm xào vào nồi và tiếp tục đảo.
-
Đun thêm từ 2 – 3 phút cho cháo ngấm hẳn rồi múc ra bát. Nếu bé thích có thể thêm 1 chút dầu oliu.
2.5. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm kết hợp với cà rốt
Nguyên liệu:
-
Gạo nếp: 30g
-
Gạo tẻ: 30g
-
Ngô ngọt: 1 bắp cỡ nhỏ
-
Cà rốt: 1 củ cỡ nhỏ
-
Dầu ăn dặm dành cho trẻ
Cách làm:
-
Gạo vo sạch rồi thêm 500ml nước vào và nấu thành cháo. Trong trường hợp trẻ muốn ăn đặc hoặc lỏng hơn, có thể thay đổi lượng nước cho phù hợp.
-
Ngô lột vỏ, bỏ hết phần râu, rửa sạch rồi tách lấy hạt. Cho tất cả hạt vào trong máy xay, thêm một chút nước rồi xay thật nhuyễn.
-
Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch, thái khúc nhỏ rồi cho vào hấp cách thủy cho chín. Khi cà rốt chín mềm thì mang ra xay nhuyễn cùng với 50ml nước.
-
Cháo chín thì cho lần lượt cà rốt và ngô vào, khuấy đều tay cho tất cả quyện lại thành hỗn hợp sánh mịn, đun thêm một chút và tắt bếp.
-
Múc cháo ra bát, để nguội bớt và cho bé ăn khi còn ấm. Tùy vào khẩu vị của bé, bạn có thể thêm một chút dầu ăn dặm.
2.6. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật
Nguyên liệu:
-
Cháo trắng: 30ml (cách làm tương tự như nấu cháo ở trên)
-
Ngô ngọt: 20g hạt đã được tách sẵn
-
Đậu phụ non: 15g
-
Bông cải xanh: 15g
Cách làm:
-
Bông cải xanh cắt lấy phần bông tròn xanh và rửa sạch, để ráo nước.
-
Ngô rửa sạch cho hết bụi bẩn rồi cho vào luộc.
-
Sau 5 phút, tận dụng nước ngô đang nóng cho đậu phụ vào chần trong 3 phút.
-
Vớt đậu phụ ra, tiếp tục cho bông cải vào luộc cùng với ngô.
-
Vớt bông cải xanh và ngô ra từng bát riêng, để cho ráo nước. Nhớ kỹ không được đổ phần nước luộc ngô đi, để nguội tận dụng chế biến tiếp.
-
Tán nhuyễn và rây từng loại nguyên liệu gồm cháo, bông cải, ngô và đậu hũ trong từng bát riêng biệt.
-
Dùng nước luộc ngô pha loãng vào bát bông cải, ngô và đậu hũ đã rây.
-
Sắp xếp và bày biện bữa ăn cho bé, trong đó có 1 bát đựng cháo, 1 bát đựng ngô tán nhuyễn, 1 bát đựng bông cải và 1 bát đậu hũ non.
2.7. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm với thịt bò
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: 50g
-
Ngô ngọt đã sơ chế và tách hạt: 20g
-
Thịt bò: 20g
-
Lòng đỏ trứng gà: 1 cái
Cách làm:
-
Thịt bò rửa sạch, sau đó ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút rồi băm nhỏ
-
Gạo vo sạch, ngâm với nước 30 phút cho nở bung
-
Ngô rửa sạch rồi luộc chín, vớt ra, bỏ phần màng vỏ, lấy nhân và băm nhuyễn.
-
Cho thịt bò vào 150ml nước lọc và luộc chín trong thời gian 5 phút, tiếp tục cho ngô băm nhỏ, gạo vào khuấy đều, chế thêm 400ml nước và ninh đến khi cháo chín nhừ hoàn toàn.
-
Ở một bát khác đánh tan lòng đỏ trứng gà, khi cháo đã chín thì từ từ đổ cho đều tay rồi tắt bếp.
-
Cháo chín, bạn múc ra bát, chờ cho nguội bớt và cho bé ăn.
Món này sẽ phù hợp với những bé từ 1 tuổi trở lên, khi đường ruột đã gần như hoàn thiện và có thể tiêu hóa tốt hơn.
Xem thêm: Xem là làm được với 9 cách nấu súp bí đỏ cho bé thơm ngon đẹp mắt
2.8. Cách nấu cháo ngô ăn dặm cho bé với phô mai
Nguyên liệu:
-
Gạo tẻ: 100g
-
Ngô ngọt: 1 bắp
-
Phô mai cho bé: 1 miếng
-
Trứng gà: 1 quả
-
Dầu ăn dặm (có thể có hoặc không, tùy thuộc vào khẩu vị của bé).
Cách làm:
-
Vo sạch gạo, ngâm trong thời gian từ 30 phút cho gạo hơi nở, sau đó mang nấu thành cháo cho chín nhừ.
-
Ngô rửa sạch, loại bỏ phần râu và vỏ, tách lấy hạt riêng và xay cùng 100ml nước.
-
Khi cháo đã chín nhừ, đổ từ từ phần ngô xay nhuyễn vào, khuấy đều tay cho các nguyên liệu quyện đều.
-
Đánh tan trứng gà trong bát, đổ từ từ vào nồi cháo, đảo đều tay cho trứng quyện đều, tiếp tục đun từ 1 – 2 phút nữa.
-
Thêm 1 miếng phô mai, khuấy đều cho tới khi tan hết hoàn toàn, có thể thêm dầu ăn dặm tùy vào khẩu vị của bé.
-
Múc cháo ra bát và cho bé ăn ngay khi còn ấm.
2.9. Cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm với yến mạch
Nguyên liệu:
-
Yến mạch: 10 – 20g
-
Ngô ngọt: ½ bắp cỡ vừa
-
Phô mai: 1 miếng
-
Bông cải xanh: 15g
Cách làm:
-
Ngô ngọt bỏ vỏ, tách hạt, rửa sạch rồi cho vào máy xay nhuyễn với 150ml nước.
-
Rây kỹ ngô đã xay, chú ý chỉ lấy phần nước và bỏ bã.
-
Yến mạch ngâm với một chút nước trong thời gian từ 15 – 30 phút, sau đó gạn bỏ nước.
-
Cho yến mạch và phần nước luộc ngô đã rây vào trong nồi rồi đun nhỏ lửa, khuấy kỹ cho đến khi yến mạch chín mềm và sệt lại.
-
Tiếp tục cho phô mai vào, đảo đều tay cho đến khi tan chảy hoàn toàn, tiếp tục đun thêm 1 – 2 phút rồi tắt bếp.
3. Lợi ích của cháo ngô đối với trẻ
Nhiều ba mẹ tìm hiểu về cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm không chỉ bởi đây là loại nguyên liệu dễ kiếm mà còn bởi hàm lượng dinh dưỡng đa dạng của ngô, cùng với những lợi ích tuyệt vời mà món cháo này mang đến cho trẻ, cụ thể:
3.1. Cung cấp dưỡng chất giúp cho bé có điều kiện phát triển toàn diện
Như đã chỉ ra trong phần đầu tiên của bài viết, hàm lượng dinh dưỡng trong ngô vô cùng đa dạng, kết hợp với các nguyên liệu khác sẽ cung cấp đầy đủ cho trẻ khoáng chất và vitamin cần thiết để phát triển, có thể kể đến như:
-
Thiamin trong ngô có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh
-
Niacin có tác dụng hỗ trợ quá trình trao đổi chất, đặc biệt là quá trình trao đổi đường, axit béo và protein
-
Folate có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành tế bào mới, nên bổ sung thường xuyên, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời của trẻ.
-
Phốt pho đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xương ở trẻ.
-
Kali và magie có trong ngô tham gia vào quá trình phát triển các chức năng của cơ cũng như hệ thần kinh.
-
Sắt có trong ngô giúp đẩy mạnh quá trình tạo máu, cũng góp phần cải thiện não bộ.
3.2. Kích thích vị giác giúp bé tăng cân
Cháo ngô cung cấp một lượng lớn tinh bột, có hàm lượng đường ở mức vừa phải và chất béo thấp nên sẽ giúp cho bé tăng cân một cách an toàn. Bên cạnh đó, kết hợp với các cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm mới lạ còn góp phần kích thích vị giác, giúp bé ăn ngon và hấp thu tốt hơn.
3.3. Rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón ở bé
Hàm lượng chất xơ dồi dào trong cháo ngô sẽ giúp cho bé tiêu hóa tốt hơn, tránh được tình trạng táo bón. Đồng thời trong cháo ngô còn có probiotic, là một trong những chất tốt cho hệ tiêu hóa.
3.4. Bảo vệ tim mạch ngay từ khi còn nhỏ
Nhiều người thường chủ quan về vấn đề hấp thu cholesterol ở trẻ mà không biết nếu từ sớm không chú ý có thể là tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Chỉ với lượng nhỏ từ 5 – 10g ngô hàng ngày đã có thể giúp cho bé giảm tỷ lệ hấp thụ cholesterol vào máu, bảo vệ trái tim cho bé ngay từ những năm đầu đời.
3.5. Góp phần bảo vệ các tế bào máu của bé
Các chất chống oxy hóa trong ngô vô cùng dồi dào, thậm chí có cả hoạt chất góp phần chống ung thư là phenolic. Do đó bổ sung đầy đủ cháo ngô mỗi ngày sẽ giúp ngăn chặn những tổn thương ở tế bào mô và DNA.
3.6. Tốt cho sự phát triển của mắt
Cháo ngô cung cấp cho cơ thể bé một lượng lớn beta-carotene, một chất tiền vitamin A có thể chuyển hóa trong cơ thể. Thường xuyên ăn cháo ngô sẽ giúp cho bé có đầy đủ hàm lượng vitamin A, góp phần bảo vệ mắt trước quá trình oxy hóa, giúp phát triển thị lực và sáng mắt.
4. Cách chọn mua ngô tươi ngon để đảm bảo sức khỏe cho bé
Dù nắm chắc cách nấu cháo ngô ăn dặm cho bé đến đâu nhưng nếu không chọn mua được nguyên liệu tươi ngon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị món ăn.
Mẹo chọn mua ngô tươi ngon
Dưới đây là một số mẹo giúp ba mẹ có thể dễ dàng chọn mua được ngô tươi ngon, đảm bảo mọi nguyên liệu nấu cho bé yêu đều tốt nhất:
-
Nên chọn mua các bắp ngô có phần vỏ xanh tươi, râu mềm mại, có phần cuống còn tươi chứ không bị thâm đen.
-
Nên chọn những bắp ngô có phần hạt thẳng đều, căng bóng, không có tình trạng lép hạt hoặc sâu bệnh.
-
Đừng tham các bắp ngô quá to, thay vào đó hãy chọn những bắp có kích thước vừa phải, thon dài để tránh ngô bị già.
-
Ưu tiên chọn các loại ngô non khi nấu cháo ngô ăn dặm cho trẻ để tăng độ ngọt mềm cho món ăn. Ba mẹ có thể kiểm tra bằng cách bấm nhẹ vào hạt ngô, nếu thấy có sữa trắng chảy ra thì nên chọn ngay loại ngô đó.
Mẹo bảo quản ngô luôn tươi ngon
Thông thường khi nấu cháo cho trẻ chỉ cần một lượng bắp vừa đủ do lượng ăn của bé không nhiều. Điều này khiến cho việc không sử dụng hết nguyên liệu thường xuyên diễn ra.
Để tránh lãng phí thực phẩm và tiết kiệm thời gian, bạn có thể tham khảo một số mẹo giúp bảo quản ngô được lâu hơn trong tủ lạnh mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng:
-
Nếu chỉ sử dụng một phần, khi bóc vỏ lên giữ lại 2 – 3 lớp cùng với phần râu ngô, bọc lại nguyên vẹn phần chưa sử dụng và cất vào ngăn mát tủ lạnh. Làm như vậy sẽ giúp cho bắp ngô còn tươi nguyên, tránh bị khô và mất nước.
-
Trong trường hợp mua ngô đã bóc sẵn vỏ và loại bỏ phần râu, có thể sử dụng màng bọc thực phẩm bọc kỹ hoặc cho vào hộp nhựa kín có nắp, để vào trong ngăn đá. Khi chế biến chỉ cần mang ra rã đông là được.
-
Đối với ngô đã tách hạt nhưng sử dụng không hết, nên cho vào hộp kín và để ở ngăn mát tủ lạnh.
Dù biết mẹo bảo quản ngô nhưng lời khuyên dành cho ba mẹ là hãy ưu tiên sử dụng nguyên liệu tươi ngon nhất, nếu có bảo quản chỉ nên sử dụng trong ngày, tránh để quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng khi nấu cho trẻ.
5. Nấu cháo ngô cho trẻ ăn dặm có được dùng gia vị hay không?
Nhìn vào 9 cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm mà chúng tôi đã chia sẻ ở trên, bạn dễ dàng nhận thấy trong thành phần nguyên liệu hầu như không hề có các loại gia vị, chỉ có duy nhất dầu ăn dặm dành riêng cho trẻ.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, trong giai đoạn đầu đời dưới 12 tháng tuổi, ba mẹ tuyệt đối không sử dụng gia vị khi nấu ăn cho trẻ. Bởi ở giai đoạn này, vị giác cũng như các chức năng thận, gan của bé chưa hoàn thiện. Ba mẹ chỉ nên chế biến đơn thuần để giữa nguyên hương vị tự nhiên cho bé. Chỉ khi bé đã đủ 1 tuổi, mới nên cho trẻ dần dần tiếp xúc với gia vị, thế nhưng vẫn phải tuân thủ theo lời khuyên của chuyên gia và bác sĩ, tránh ảnh hưởng đến vị giác của bé.
Cha mẹ cũng không nên áp khẩu vị của mình khi chế biến thức ăn cho trẻ, bởi khẩu vị của bé nhạt hơn so với người lớn rất nhiều lần. Trong giai đoạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm, từ 6 – 8 tháng tuổi trở lên, vẫn nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng gia vị. Có thể sử dụng dầu ăn dặm nhưng chỉ nên sử dụng lượng nhỏ nhất định để bổ sung thêm chất, tuyệt đối không nên lạm dụng.
Biết 9 cách nấu cháo ngô cho bé ăn dặm, ba mẹ không cần phải lo lắng về việc hôm nay cho bé ăn gì. Đây đều là món ăn bổ dưỡng, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nên đừng quên thêm ngay vào thực đơn ăn dặm của con mỗi tuần.