Các loại bún của Việt Nam chính là nét văn hóa ẩm thực độc đáo, không chỉ được chính người Việt ưa thích mà còn gây ấn tượng cả du khách nước ngoài. Ở mỗi vùng miền đều có một món bún riêng nhờ kết hợp bún với nhiều loại thực phẩm và gia vị khác nhau, tạo nên hương vị độc đáo đặc trưng.
1. Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm là một trong các loại bún nổi tiếng từ Bắc vào Nam, là món được biết đến ở nhiều địa điểm nổi tiếng về ẩm thực. Trước kia bún đầu truyền thống chỉ bao gồm đậu rán, bún và kinh giới cùng chén mắm tôm thơm ngon khó cưỡng.
Tuy nhiên ngày nay để hợp với khẩu vị cùng tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn, thì mẹt bún đậu thường bao gồm các thành phần như: bún, đậu rán, chả cốm, nem rán, dồi, lòng lợn, thịt chân giò,… cùng những loại rau sống khác như kinh giới, tía tô, húng chó, dưa chuột.
Kết hợp thêm chén mắm tôm được pha với đường, tắc, ớt và một chút dầu rán rưới lên trên, sau đó đánh lên cho mắm tôm sánh lại và nổi bọt trắng sẽ làm dậy mùi thơm hấp dẫn. Mắm tôm chính hiệu để ăn bún đậu phải là mắm tôm từ Thanh Hóa có màu ửng hồng.
2. Một trong các loại bún ngon khó cưỡng – Bún chả
Bún chả là một trong các loại bún được yêu thích nhất bởi cả người Việt Nam lẫn các du khách nước ngoài. Đây là món ăn đặc trưng của Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, nét ẩm thực đặc trưng không nên bỏ qua.
Một phần bún chả với bún, chả thịt nướng cùng chả viên được nướng vàng ươm với lửa than thơm phức ăn kèm nước chấm chua, ngọt, cay, mặn đủ vị. Nước mắm bún chả được làm từ giấm, nước mắm, đường, tỏi, ớt kèm thêm đu đủ xanh, cà rốt.
3. Bún ốc
Một trong các loại bún dân dã và quen thuộc với người dân ở vùng quê Bắc Bộ là bún ốc. Món ăn là sự kết hợp của những nguyên liệu không thể thiếu như: đậu phụ rán giòn, chuối xanh, thịt và ốc đã được xào sơ, sau đó nấu với nghệ tươi.
Tô bún ốc có màu vàng đặc trưng của nghệ, kết hợp với vị chua dịu của mẻ, chuối vừa chín tới nên có vị bùi mà không bị nát, ốc thì béo, giòn và vẫn giữ được độ dai hoàn hảo. Khi ăn nhiều người thích cho thêm tía tô, lá lốt và đặc biệt là một chút mắm tôm để tăng thêm hương vị.
4. Bún riêu
Khi nhắc đến các loại bún đặc trưng của Việt Nam thì không thể bỏ qua bún riêu. Trước kia bún riêu là món ăn chiều nhẹ nhàng của các mẹ, các bà đi chợ. Chỉ với bún, đậu, nước riêu cua cà chua dễ ăn, nhưng lại không làm no để vẫn có thể ăn cơm tối.
Tuy nhiên ngày nay để phục vụ cho nhiều người cùng tăng giá trị dinh dưỡng cho bún riêu thì chúng ta còn bắt gặp bún riêu bò, giò, trứng vịt lộn,… Mặc dù thay đổi như thế nào nhưng vị chua thanh, man mát, ngọt nhẹ, dễ ăn cho ngày hè thì bún riêu vẫn còn đó.
5. Bún thang – một trong các loại bún giàu lịch sử của Việt Nam
Trong các loại bún truyền thống của người Việt Nam thì bún thang được đánh giá là khó nấu, kỳ công nhất từ khâu chuẩn bị đến bắt tay vào nấu. Tuy nhiên hương vị của bún thang thì thật sự rất đáng để thử. Những người nấu bún thang còn có thể được gọi là những nghệ nhân nấu món ăn này.
Để có một bát bún thang đạt chuẩn thì cần đáp ứng những tiêu chí sau:
-
Sợi bún có kích thước vừa phải, không to mà cũng không quá nhỏ.
-
Thịt gà mềm và béo, phần thường được dùng nhiều nhất là lườn gà và phải xé nhỏ.
-
Giò lụa và trứng rán cũng được xắt nhỏ thành sợi.
-
Nước dùng là quan trọng nhất bởi những đầu bếp nấu bún thang phải đảm bảo nước dùng được trong, thanh và ngọt. Đây là một công việc thật sự kì công và không hề dễ dàng. Nước dùng được ninh từ xương gà hay xương lợn, liên tục vớt bọt để đảm bảo nước dùng trong nhất có thể. Có người sẽ cho vào nước dùng đầu tôm he khô, khô mực để làm dậy mùi và ngọt nước.
Mặc dù có giá thành cao nhưng những địa điểm bán bún thang nổi tiếng đều thu hút lượng khách lớn. Bún thang sẽ rất ngon nếu như có thêm ruốc tôm, củ cải dầm, rau răm,… Đặc biệt, họ có thể dùng đũa nhúng tinh dầu cà cuống vào nước dùng bún thang, thêm chút mắm tôm để tạo thành đặc trưng của món ăn này.
Xem Thêm: 1 Tô Bún Bò Bao Nhiêu Calo? Bỏ Túi Ngay Mẹo Ăn Bún Bò Không Lo Tăng Cân
6. Bún mọc
Bún mọc là một trong những món bún đặc trưng với nguyên liệu chính gồm những viên mọc, được làm từ loại thịt băm nhuyễn với nấm hương rồi vo tròn. Nước dùng của bún mọc được ninh từ xương kết hợp cùng hành khô nướng cháy vỏ, cà chua, sườn non để thêm độ ngon.
Ngoài ra món ăn còn được cho thêm dọc mùng, khi ăn cho độ giòn thú vị. Giống như bún thang, bạn phải liên tục vớt bọt để nước dùng có độ trong, đẹp mắt. Trước khi ăn bạn sẽ chần sợi bún qua nước dùng rồi cho vào tô, sau đó chan nước dùng có đủ các nguyên liệu trong nồi như: Cà chua, dọc mùng, viên mọc và vài lát thịt chân giò.
7. Bún bò Huế
Một trong các loại bún nổi tiếng ở Việt Nam đến từ kinh thành Huế là bún bò. Đây là một đặc sản của xứ Huế đã nổi danh không chỉ tại Việt Nam mà cả những du khách nước ngoài. Bún bò Huế có nguyên liệu chính là bún, bắp bò, giò heo, huyết heo đi kèm với nước dùng đậm đà cùng vị cay đặc trưng.
Bún bò Huế ngon, chuẩn vị đất cố đô cần đảm bảo hương thơm hấp dẫn. Bát bún nhiều màu sắc với sắc đỏ của dầu điều, sắc nâu của thịt bò, tiết lợn và sắc xanh của hành, mùi thêm chút giá đỗ thanh mát. Khi thưởng thức bún Huế ta sẽ thấy sự bùng nổ vị giác với cay, chua, ngọt, mặn.
Xem Thêm: Nguyên Liệu Nấu Bún Bò Huế Gồm Những Gì? Đừng Quên Thứ Gia Vị Tạo Linh Hồn Món Ăn
Các loại bún ngon khó cưỡng này đã giúp gây ấn tượng với nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Các món bún đều có hương vị riêng đặc trưng, phù hợp với khẩu vị của từng người. Nếu bạn cũng là người có đam mê với ẩm thực, hãy mau chóng tìm và thưởng thức ngay các loại bún này.