Việt Nam được thiên nhiên ưu ái với đa dạng các loại mực. Các loại mực phổ biến này đều có đặc điểm, hương vị riêng. Cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết các loại mực, cách lựa chọn mực tươi ngon cùng một số món ăn hấp dẫn từ mực qua bài viết dưới đây.
1. Điểm danh các loại mực phổ biến tại Việt Nam
Mực là loại hải sản tươi ngon được nhiều người yêu thích. Ở Việt Nam hiện nay, các loại mực phổ biến nhất là mực lá, mực ống, mực trứng, mực sim, mực xà, mực năng. Mỗi loại mực lại có những đặc điểm, hương vị riêng.
1.1. Mực lá
Trong các loại mực phổ biến, mực lá là loại mực được nhiều người biết đến nhất. Loại mực này có tai mực tương đối dài, gần hết cả thân. Thân mực có màu trắng trong, khi bơi nhìn như chiếc lá. Vây mực lá dày, hình bầu dục rộng mở ra xung quanh. Khi sơ chế mực lá, vì chúng không có mai nên chỉ cần làm sạch phần dạ dày.
Mực lá được đánh giá là loại mực ngon nhất bởi thịt mực dày, giòn và có vị ngọt đậm đà. Bởi vậy, mực lá được dùng làm mực khô, khi nướng rất thơm, càng nhai càng ngọt. Dân sành ăn thường lựa chọn loại mực này trong chế biến và thưởng thức.
1.2. Mực trứng (mực sữa)
Được các tín đồ hải sản đánh giá là đẳng cấp nhất trong các loại mực, mực trứng (có tên gọi khác là mực sữa) được nhiều người tìm mua và đưa vào thực đơn của nhà hàng khách sạn. Loại mực này có kích thước khá nhỏ, chỉ dài từ 5 – 12cm, thân hình có màu nâu đỏ. Như tên gọi, mực trứng chứa bên trong toàn trứng do được đánh bắt vào mùa sinh sản.
Khi cắn đôi con mực trứng, bạn sẽ cảm nhận được vị trứng ngập tràn trong miệng, hương vị bùi béo, mềm mịn, giàu dinh dưỡng. Thịt mực trứng cũng rất dai, giòn ngọt, nướng lên với than hoa, hoặc hấp cùng một ít bia hay gừng sả thì thơm ngon vô cùng.
1.3. Mực ống
Mực ống cũng là loại mực phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn trong các bữa ăn hàng ngày. Mực ống có thân dài, hình ống, 2 xích tu dài cùng với nhiều râu nhỏ. Trên thân mực ống có lớp da với nhiều đốm hồng, mắt to tròn, trong suốt. Đặc biệt, phần vây đuôi từ giữa thân kéo xuống thành một hình thoi là một đặc điểm riêng biệt để mực ống không bị lẫn lộn với các loại mực khác.
Mực ống được sử dụng nhiều trong chế biến các món chiên, hấp, xào, nhồi thịt…, thường được cắt thành khoanh để trình bày trên đĩa cho đẹp mắt. Mực ống có độ dai, giòn nhất định, nhưng lại thiếu vị ngọt đặc trưng. Do đó, giá thành mực ống thường rẻ hơn các loại mực phổ biến khác.
1.4. Mực sim
So với các loại mực khác, mực sim có kích thước nhỏ nhất. Kể cả con mực sim trưởng thành, kích thước cũng chỉ cỡ 2 ngón tay. Đây là điểm đặc biệt để phân biệt mực sim với các loại mực phổ biến hiện nay.
Mực sim có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như mực sim xào cần tỏi, dưa chua và ớt cay. Ngoài ra, mực sim hấp cũng rất ngon, vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên, càng ăn càng ghiền lại không bị ngán.
1.5. Mực nang (mực mai)
Mực nang còn được biết đến với tên gọi là mực mai. Đây là loại mực có kích thước to hơn các loại mực khác. Cơ thể mực nang có hình chữ W, trên lưng có cái mai cứng khá nặng nề. Loại mực này có thịt dày, giòn, nhưng vị nhạt. Bởi vậy, mực nang không được dùng để chế biến các món ăn tươi mà thường dùng chủ yếu để giã chả mực. Mực nang khi hòa cùng các gia vị, nguyên liệu khác tạo nên các món ăn rất đặc sắc.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đưa mực nang vào chế biến các món gỏi, salad, lẩu cũng rất hấp dẫn.
1.6. Mực xà
Mực xà không phổ biến bằng những loại mực kể trên. Mực xà thường sống chủ yếu ở khu vực biển duyên hải Nam Trung Bộ như Quãng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Trường Sa và Hoàng Sa.
Đây là loại mực có kích thước to hơn hẳn, màu đen sậm, phần đuôi xoè to như vây cá. Thịt mực xà chắc, dai, dày nhưng lại không ngọt bằng các loại mực khác. Do đó, loại mực này chỉ phù hợp để chế biến các món nướng, chiên.
2. Các loại mực có độc cần tránh
Khi đánh bắt, chế biến mực cần lưu ý tránh xa một số loại mực cực độc với các dấu hiệu nhận biết sau đây.
Mực độc có kích thước nhỏ, chiều dài tối đa không quá 50mm. Mực này có 8 xích tu, thường mang màu kem hoặc hơi ngả vàng cam. Trên thân mực có những đốm xanh óng ánh như những vệt hoa đẹp mắt. Đây là loại hải sản cực độc, tuyệt đối không được ăn.
Loại mực này có chứa độc tố thuộc dạng “Tetrodotoxin” chứa trong nước bọt, nội tạng và cả thịt mực. Khi ăn phải mực này, cơ thể bị nhiễm độc, chất độc sẽ tác động lên thần kinh trung ương rất mạnh. Điều này khiến trung khu thần kinh tê liệt, rồi lan ra toàn cơ thể, gây ngừng hô hấp tuần hoàn và dẫn đến tử vong.
Một con mực đốm xanh với trọng lượng khoảng 25g có thể làm 10 người thiệt mạng.
3. Mẹo chọn mực tươi sạch
Mỗi loại mực có một nét đặc trưng riêng biệt, để chọn mực tươi ngon, bạn có thể tham khảo một số bí quyết chọn mực sau đây:
- Mực lá: Bạn nên ưu tiên chọn những con to, mình dày, da tương đối cứng, thịt mực săn chắc, không bị biến dạng hay dập nát. Đặc biệt lưu ý lớp màng bao quanh thân mực phải còn nguyên vẹn, phần râu (xích tu) nếu sờ vào cảm nhận được độ cứng là mực tươi ngon.
- Mực trứng: Dấu hiệu nhận biết mực trứng tươi ngon là đầu mực gắn với thân, túi mực còn nguyên không dập. Bạn nên chọn những con có da ngoài óng ánh, không bị bợt da hay trầy xước. Mực trứng tươi trên thân phải có các chấm nhỏ, mắt trong suốt không đục màu. Để biết được mực có nhiều trứng, bạn dùng tay bóp vào thân mực. Những con mực nhiều trứng bụng sẽ căng lên, và một phần mực trứng sẽ rơi qua đuôi.
- Mực ống: Cách chọn mực ống tươi ngon là chú ý vào lớp thịt mực. Những con có lớp thịt mà sáng hồng, đầu mực không bị đứt ra khỏi thân, túi mực bên trong không bị vỡ nhằm đảm bảo độ ngọt, tươi, khi chế biến không bị đắng.
- Mực sim: Để chọn những con mực sim tươi sạch, hãy nhìn tổng thể bên ngoài con mực. Những con mực sim tươi có màu tươi rói, mắt trong, da có màu nâu tự nhiên, sờ vào săn chắc. Mùi mực không bị quá tanh, nếu mực sim có mùi tanh quá thường không tươi, bạn không nên mua.
- Mực xà: Cách nhận biết mực xà tươi ngon cũng giống như các loại mực khác. Bạn quan sát mắt mực trong, có thể nhìn thấy con ngươi. Thịt mực chạm vào có độ đàn hồi săn chắc. Khi dùng tay ấn vào rồi thả ra mực nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu.
Như vậy, để chọn mực tươi sạch, bạn hãy chú ý đến mắt mực có màu trong suốt, đầu mực còn nguyên, thân mực có độ đàn hồi, ít mùi tanh. Đây là những dấu hiệu chung để nhận biết những con mực tươi ngon, không bị ươn, thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
4. Hướng dẫn sơ chế mực trước khi chế biến
Các loại mực khác nhau sẽ có hình dạng, kích thước khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn có những điểm tương đồng. Bạn có thể tham khảo cách sơ chế mực dưới đây để áp dụng cho đa số các loại mực.
- Bước 1: Rút đầu và loại bỏ túi mực
Dùng một tay giữ phần thân mực, tay còn lại nhẹ nhàng rút đầu và râu mực ra khỏi thân. Vì đầu mực và túi mực dính liền với nhau nên khi rút chú ý nhẹ tay, không để vỡ túi mực. Nếu túi mực vỡ cần rửa sạch lại với nước.
- Bước 2: Rút xương sống mực
Dùng tay rút nhẹ phần xương sống màu trong suốt trong thân mực ra ngoài.
- Bước 3: Làm sạch nội tạng
Xẻ dọc bụng mực và loại bỏ phần nội tạng bên trong bằng cách cạo sạch chúng. Nếu muốn cắt khoanh mực thì không xẻ dọc bụng, nhưng vẫn cần làm sạch bên trong mực.
- Bước 4: Lột da mực
Dùng dao cắt nhẹ một đường trên thân mực để tạo đường gờ giữa thịt mực và phần da. Dùng một tay giữ phần thịt mực, một tay nắm phần da rồi kéo mạnh lên. Chú ý kéo lần lượt từng phía để loại bỏ phần da.
- Bước 5: Làm sạch đầu và ruột mực
Xẻ đầu mực, dùng dao cắt bỏ mắt và khối tròn cứng (gọi là răng mực), rửa sạch lại với nước.
Nếu muốn dùng ruột mực để chế biến, ruột mực sau khi cắt bỏ ra khỏi đầu, loại bỏ túi mực và kéo sợi chỉ đen trong ruột ra. Sau cùng rửa lại thật sạch với nước.
Trên đây là cách sơ chế mực tại nhà. Các loại mực phổ biến tại Việt Nam đều có thể áp dụng cách sơ chế này để làm sạch, loại bỏ mùi tanh của mực.
4. Một số món ăn ngon từ mực
Là loại hải sản tươi ngon, các món ăn từ mực được rất nhiều người yêu thích. Mực thường được chế biến cùng nhiều loại gia vị, rau củ và các thực phẩm khác nhau. Một số món ăn từ mực mà bạn có thể chế biến tại nhà như mực nướng, mực hấp, mực chiên.
4.1. Mực chiên bơ tỏi
Là món ăn được chế biến từ mực ống cực hấp dẫn, mực chiên bơ tỏi được nhiều người yêu thích. Với hương vị thơm béo, tươi ngon, giòn rụm, món ăn này nhâm nhi cùng một chút bia cuối tuần vô cùng thú vị. Bạn cần chuẩn bị mực ống tươi, bơ thực vật, trứng gà và một ít tỏi băm là đã có ngay một đĩa mực chiên thơm ngon chiêu đãi cả nhà.
4.2. Mực lá nướng sa tế
Trong các loại mực, mực lá nổi tiếng với vị dai và ngọt tự nhiên, làm món ăn nào cũng lôi cuốn. Trong đó, không thể bỏ qua mực lá nướng sa tế thơm giòn. Món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của mực dai giòn và ngọt thịt, kết hợp cùng chút cay cay của sa tế.
Lưu ý với mực lá nướng sa tế khâu nướng mực là quan trọng nhất. Bạn chú ý nướng đều tay, mỗi mặt nướng từ 5 – 7 phút thì trở mặt còn lại, quét lại nước sốt ướp mực để khi nướng không bị cháy. Khi mực vàng đều và dậy mùi thơm là đã hoàn thành, cho ra đĩa, trang trí đẹp mắt là có thể thưởng thức ngay.
4.3. Mực trứng hấp bia
Với hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời, mực trứng được nhiều người lựa chọn cho bữa ăn gia đình. Trong đó, món mực trứng hấp bia rất được ưa chuộng. Đây là món ăn được lòng các đấng mày râu trên bàn nhậu. Để làm món này bạn chỉ cần chuẩn bị mực tươi và 1 lon bia. Mực sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn cho vào nồi, hấp cách thủy cùng bia khoảng 5 – 10 phút là mực chín, bia sôi lên thì tắt bếp.
Mực trứng hấp bia tươi ngon, béo thơm, không bị tanh mà mang đậm vị ngọt của mực, chấm cùng mắm gừng đậm đà. Cắn đôi một miếng mà phần trứng béo ngậy tràn đầy khoang miệng thì còn gì tuyệt vời bằng.
Xem thêm: Cách Nấu Mực Trứng Xào Giàu Dinh Dưỡng, Ngon Quên Lối Về
4.4. Mực sim xào dứa
Nói đến mực sim nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các món hấp, luộc, nướng,…Tuy nhiên, mực sim xào dứa cũng là món ăn thú vị với cách chế biến đơn giản mà hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Khi thưởng thức món này, bạn sẽ cảm nhận được vì giòn ngọt đậm đà của mực, kết hợp cùng dứa chua thanh ngọt nhẹ ăn rất cuốn. Mực sim xào dứa chắc chắn là món ăn độc đáo chị em nên đưa vào thực đơn gia đình nhằm đa dạng hóa hương vị bữa cơm.
4.5. Chả mực nang
So với các loại mực khác, mực nang dai giòn nhưng thiếu vị ngọt, rất thích hợp để làm chả mực. Mực nang sơ chế sạch sẽ, bạn thái nhỏ rồi tiến hành giã nhuyễn cùng hành tím, tỏi, thêm vào một ít tiêu và bột ngọt. Phần mực đã giã nhuyễn bạn tạo hình bằng cách nặn thành viên tròn, dẹt rồi cho lên chảo dầu chiên đều. Chả mực khi chín có màu vàng đẹp mắt, chấm cùng tương ớt thì ngon hết sảy.
Xem thêm: Tổng Hợp 10+ Cách Nấu Cháo Mực Cho Bé Ngon Mê Ly Đủ Đầy Dinh Dưỡng
Mực là loại hải sản tươi ngon được nhiều người yêu thích. Các loại mực phổ biến ở Việt Nam đều có hương vị và đặc trưng riêng, chế biến món ăn nào cũng thật hấp dẫn. Tùy vào khẩu vị cũng như nhu cầu cá nhân, bạn có thể lựa chọn loại mực phù hợp và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon phục vụ gia đình.
mực