Cách nấu cháo mực khô hơi cầu kỳ hơn các loại cháo khác nhưng mang lại thành phẩm thơm ngon, đậm đà mà lạ miệng. Những ngày mưa được xì xụp bát cháo mực nóng hổi cay nồng vị gừng thì còn gì tuyệt bằng.
1. Giá trị dinh dưỡng của mực khô
Mực khô được làm từ những con mực tươi đem phơi khô hoặc sấy khô. Mực khô đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người bởi vị thơm ngọt và dai dai.
Thành phần dinh dưỡng có trong 100g mực khô bao gồm: 291 calo; 32,6g nước; 60,1g chất đạm; 4,5g chất béo; 2,5g chất đường bột. Trong mực khô còn có các khoáng chất tốt cho cơ thể như kẽm, sắt, mangan, sắt, kẽm, selen đặc biệt là hormone nam testosterone.
Mực khô có chứa các vitamin như Vitamin A, vitamin B12, vitamin B3, vitamin B2. Do đó ăn mực khô còn giúp:
- Hỗ trợ thị lực của mắt, tránh lão hóa mắt hay hỗ trợ giảm chứng đau nửa đầu, tốt cho tim mạch và điều hòa lượng đường huyết trong cơ thể.
- Tăng cường hệ miễn dịch, giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh về viêm khớp.
2. Cách nấu cháo mực khô thơm ngon
Mực khô được chế biến thành nhiều món ẩm thực ngon và kích thích vị giác. Trong đó có món cháo mực khô được nhiều người ưa chuộng. Mách bạn cách nấu cháo mực khô thơm ngon ai ai cũng mê như sau:
2.1. Nguyên liệu nấu cháo mực
-
Mực khô: 300g
-
Tôm khô: 50g
-
Da lợn: 50g
-
Xương lợn: 500g
-
Gạo tẻ: 200g và gạo nếp: 50g
-
Tiết lợn: 30g
-
Gừng 1 củ, hành lá, tía tô, rau mùi 20g, hành khô 3 – 4 củ, giá đỗ: 50g
-
Gia vị: Muối, hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn
-
Rượu trắng
-
Ăn kèm: quẩy 5-6 cái, trứng bắc thảo: 1 quả
2.2. Sơ chế nguyên liệu
Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu trên, bạn hãy bắt tay vào thực hiện cách nấu cháo mực khô như sau:
Bước 1: Mực khô đem rửa sạch, ngâm với rượu trắng trong vòng 20 – 30 phút để khử mùi tanh của mực và cho mực mềm ra. Sau đó vớt mực ra để ráo, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn. Để râu mực ra bát riêng để ninh cùng xương lợn.
Bước 2: Tôm khô rửa sạch ngâm với nước 20 phút để tôm mềm, loại bỏ bụi bẩn. Vớt tôm khô để ráo nước. Da lợn cạo bỏ lông còn sót lại, cho vào ngâm với nước muối loãng trong vòng 15 phút rồi rửa sạch để loại bỏ mùi hôi. Bật bếp và đặt nồi nước sôi lên, đun đến khi sôi nước rồi cho da lợn vào chần khoảng 2 phút. Vớt da lợn để cho ráo nước rồi cắt thành hình vuông vừa ăn.
Bước 3: Gạo tẻ và gạo nếp trộn lẫn vào với nhau, loại bỏ hạt sạn rồi đem vo với nước khoảng 2 – 3 lần. Vớt gạo để ráo sau đó bật bếp, đun nóng chảo và bỏ gạo vào rang đến khi hạt gạo vàng đều, có mùi thơm thì tắt bếp để cho gạo nguội.
Bước 4: Gừng rửa sạch, cạo vỏ chia làm 2 phần. Một phần thái lát để riêng, phần còn lại đem đi nướng xém. Hành khô rửa sạch bỏ vỏ cũng chia làm 2 phần. Một phần đem đi nướng đến khi thơm, phần còn lại băm nhuyễn. Hành lá, tía tô, rau mùi cắt bỏ gốc rồi rửa sạch và đem thái nhỏ. Giá đỗ loại bỏ các cây thối, hỏng rồi rửa sạch và để ráo nước.
Bước 5: Xương lợn chặt miếng vừa ăn, ngâm xương lợn với nước vo gạo trong vòng 30 phút để loại bỏ cáccặn bẩn. Sau đó bắc bếp, cho nước vào nồi đun đến khi nước sôi thì thả xương lợn vào chần 1 – 2 phút.
Bước 6: Đặt nồi lên bếp rồi cho khoảng 1 – 1,5 lít nước vào nồi, cho gừng và hành tím đã nướng thơm ở bên trên cùng xương lợn và râu mực, 1/2 con mực khô vào nồi. Bật bếp lên và ninh xương và mực tới khi mềm. Thời gian ninh khoảng 1 – 1,5 tiếng, trong lúc ninh vớt bọt để nồi nước được trong và ngọt thơm.
Bước 7: Trong thời gian ninh xương, cho tiết lợn vào nồi nước luộc qua đến khi tiết lợn chín và se bề mặt. Đợi tiết lợn nguội rồi vớt ra thái miếng vuông dày vừa ăn.
2.3. Nấu cháo mực khô
Bước 1: Phi thơm hành khô với dầu ăn rồi cho nước mắm, mực khô vào xào đến khi mực ngấm gia vị thì tắt bếp, để nguội.
Bước 2: Lọc nước hầm xương ở trên, cho vào nồi đun đến khi sôi thì cho gạo rang vào, sau đó ninh đến khi gạo nhừ thành cháo, nở bung như bông hoa. Thời gian ninh khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong thời gian ninh, chú ý đảo đều nồi cháo để cháo không bị khê và mở vung nồi để cháo không bị tràn ra ngoài.
Bước 3: Sau khi cháo đã chín hoàn toàn, bạn cho tiết lợn, mực đã xào cùng da lợn vào nồi và đảo đều tiếp tục đun khoảng 15 phút để nồi cháo sôi, tất cả nguyên liệu chín nhừ, hòa quyện với nhau. Nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp.
Bước 4: Lấy bát, cho hành lá, rau mùi và tía tô vào bát, múc nhanh cháo ra bát và rắc tiêu xay lên bát. Khi thưởng thức bạn đảo đều bát cháo, ăn kèm quẩy cùng trứng bắc thảo nếu thích.
Cháo mực khô giờ đây đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Bạn hãy lưu ngay cách nấu cháo mực khô để vào bếp chế biến món cháo thơm ngon mời cả nhà thưởng thức.