Bún cá Kiên Giang là món đặc sản nức tiếng miền Tây. Từng miếng cá thơm, chắc thịt, tôm tươi được rim đậm đà hòa quyện với nước dùng ngọt trong để lại ấn tượng sâu sắc cho người ăn. Bạn có thể tự tay thực hiện món ăn này ở nhà, mà hương vị vẫn thơm ngon như người bản xứ với công thức dưới đây.
1. Giá trị dinh dưỡng của bún cá Kiên Giang
Giá trị dinh dưỡng của món bún cá Kiên Giang chủ yếu đến từ cá lóc và tôm. Cá lóc có khả năng cung cấp cho cơ thể các nhóm dinh dưỡng chính, gồm có:
Nhóm dinh dưỡng chính |
Hàm lượng |
Protein hữu ích |
78,32 ± 0,23% |
Lipid |
2,08 ± 0,08% |
Vitamin |
0,265 ± 0,013 mg |
Axit arachidonic (AA) 20 |
4 omega 6 |
Axit docosahexaenoic (DHA) 22 |
6 omega 3 |
Bên cạnh đó, tôm cũng là loại hải sản rất giàu chất dinh dưỡng. Trong 100 gram tôm đã nấu chín có chứa:
Chất dinh dưỡng |
Hàm lượng |
Chất béo |
0,3 gram |
Carbs |
0,2 gram |
Cholesterol |
189 miligram |
Natri |
111 miligram |
Protein |
24 gram |
2. Cách nấu bún cá Kiên Giang chuẩn vị như dân bản địa
2.1. Nguyên liệu và dụng cụ nấu bún cá Kiên Giang
Nguyên liệu |
Dụng cụ |
700 gram cá lóc |
Dao |
500 gram bún tươi |
Thớt |
300 gram tôm |
Chảo chống dính |
2 quả trứng gà |
Nồi nấu nước dùng |
400 gram các loại rau ăn kèm (cải con/ bắp chuối/ rau thơm) |
Rổ rá |
100 gram hoa điên điển |
Bát |
1 củ hành tây |
Muôi |
1 củ hành tím |
Đũa, thìa |
Nước mắm |
|
Dầu ăn |
|
Hạt màu điều |
|
Gia vị thông dụng (muối/ đường/ bột nêm/ bột ngọt/ hạt tiêu) |
2.2. Công thức nấu bún cá Kiên Giang
Cách nấu bún cá Kiên Giang không quá khó, chỉ cần làm theo các bước hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ phải bất ngờ khi mình có thể tự tay nấu ra thành phẩm chuẩn vị như dân bản địa.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Trước tiên, bạn làm sạch cá lóc, loại bỏ hết nội tạng. Sau đó, bạn dùng muối chà xát cả bên trong lẫn bên ngoài để khử sạch hoàn toàn mùi tanh của cá, rồi tiến hành lọc xương, lóc da, cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
- Nếu không tự tin vào kỹ năng làm cá của mình, bạn có thể nhờ người bán thực hiện các công đoạn sơ chế trên, cá lóc mua về bạn chỉ cần rửa sạch với muối và nước, để ráo rồi cắt miếng.
Mẹo sơ chế cá lóc đảm bảo sạch nhớt, không còn mùi tanh Cách 1: Sử dụng muối (muối hạt hoặc muối tinh)
Cách 2: Sử dụng chanh hoặc giấm cùng nước ấm
Cách 3: Sử dụng vôi ăn trầu
|
- Đối với tôm, bạn đem ngâm nước muối loãng trong khoảng 3 – 5 phút, sau đó rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, bạn tiến hành bóc vỏ và đầu tôm. Bạn dùng dao khứa tôm dọc theo sống lưng, hoặc cũng có thể dùng tăm rút bỏ đi phần chỉ đen trên lưng tôm.
- Bạn hãy nhớ rửa tôm qua một lượt nước sạch nữa trước khi chế biến.
- Hoa điên điển và các loại rau khác, bạn mang đi rửa sạch rồi để ráo là được.
- Hành tây cũng cần được rửa sạch, bóc vỏ, để ráo nước và cắt làm tư. Để khi cắt hành tây không bị cay mắt, bạn hãy bỏ hành tây vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 15 phút trước khi cắt.
- Hành tím bạn chỉ cần rửa sạch, bóc vỏ và bào mỏng.
Bước 2: Ướp tôm và cá lóc
- Bạn ướp phần thịt cá đã được sơ chế sạch với 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa rưỡi cà phê đường cùng với một ít tiêu. Bạn hãy trộn đều hỗn hợp ướp để cá thật ngấm gia vị. Ướp cá trong khoảng 15 phút là được.
- Tương tự với tôm, bạn cũng bỏ phần tôm đã sơ chế trước đó vào bát, thêm vào 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa canh đường, chút tiêu rồi trộn lên cho thật đều. Bạn hãy ướp khoảng 10 – 15 phút để gia vị thấm đều vào tôm.
Bước 3: Xào tôm
- Bạn cho 1 thìa canh hạt màu điều và 1 thìa canh dầu ăn vào chảo, để ở lửa vừa trong khoảng 3 phút, đến khi thấy hạt điều tiết ra hết màu thì hãy vớt hạt ra.
- Lúc này, dầu ăn cũng đã sôi, bạn phi thơm hành, cho tôm đã ướp vào chảo xào đến khi tôm vừa chín tới, đập thêm 2 lòng đỏ trứng gà vào, khuấy tan, rim chung cùng với tôm. Khi nào thấy tôm đã săn lại là bạn có thể tắt bếp.
Lưu ý: Nếu muốn tôm có thêm vị cay tê nhẹ và lên màu đẹp hơn, bạn có thể thêm chút sa tế vào hỗn hợp ướp.
Bước 4: Chế biến nước dùng
- Để nấu nước dùng, đầu tiên, bạn bắc nồi lên bếp, cho 1 thìa canh dầu ăn vào, đợi dầu nóng thì cho hành tím bào mỏng đã chuẩn bị vào phi thơm.
- Sau đó, bạn cho phần cá lóc đã ướp vào nồi, xào đến khi thấy cá săn lại.
- Bạn tiếp tục cho vào nồi thêm 3 lít nước lọc, cùng 1 củ hành tây đã cắt, nấu khoảng 15 phút để nước sôi.
- Bạn nêm vào nồi nước dùng 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước mắm, nửa thìa cà phê muối, 1 thìa canh hạt nêm và nấu thêm khoảng 10 phút nữa.
- Khi nước trong nồi sôi, bạn hãy chú ý vớt hết bọt và nêm nếm lại gia vị một lần nữa theo khẩu vị rồi tắt bếp.
Bước 5: Thành phẩm
- Sau khi hoàn thành phần nước dùng, bạn chỉ việc xếp bún vào bát, cho thêm các loại rau thơm, hành lá đã chuẩn bị, không thể thiếu được tôm và cá lóc, rồi chan nước dùng là có thể thưởng thức được ngay.
- Món bún có đầy đủ màu sắc bắt mắt, nước dùng ngọt thơm, thịt cá lóc chắc, dai, tôm săn mềm, gói trọn tinh hoa biển cả chắc chắn sẽ khiến ai cũng phải xiêu lòng.
Xem thêm: Bật Mí Cách Làm Bún Cá Chấm Giòn Rụm, Đượm Vị Tỏi Ớt, Ai Ăn Cũng Xuýt Xoa
3. Bún cá Kiên Giang – tinh hoa ẩm thực biển
Chắc hẳn nhiều bạn đã từng nghe qua câu ca dao ca ngợi đặc sản bún cá Kiên Giang:
“Ai về Rạch Giá, Kiên Giang
Ăn tô bún cá chứa chan tình người”
Câu ca dao này đã gắn liền với người dân vùng đất này từ biết bao đời nay, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bún cá Kiên Giang, khi đã gắn liền với địa danh, thì không chỉ là một món ăn thông thường, mà còn là niềm tự hào của con người nơi đây. Từng tô bún giản dị mà ngọt lành, chứa đựng tấm lòng thơm thảo của những người dân miền biển.
Cách thưởng thức bún cá Kiên Giang truyền thống đúng điệu thường là phải ngồi ở những quán nhỏ ven đường, với bộ bàn ghế nhựa đơn sơ, vừa xì xụp bát bún vừa vui vẻ trò chuyện, hay chỉ đơn giản là cảm nhận nhịp sống xung quanh.
Món bún cá này nổi tiếng với hương vị ngọt thanh, cách chế biến không sử dụng quá nhiều dầu mỡ hay gia vị đặc trưng. Hương vị của cá lóc tươi thường rất nổi bật, với phần thịt cá chắc, một chút dai dai, gia vị thấm đều vào từng thớ cá.
Những con tôm tươi, chắc thịt, dai giòn sật sật, được xào cùng gia vị và trứng gà càng tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn. Các loại rau ăn kèm có thể kết hợp một cách linh hoạt, thường là hoa điên điển, hoa chuối hay rau muống bào,…
Món ăn bình dị này dường như là kết tinh của tinh hoa ẩm thực miền biển, với những nguyên liệu và cách chế biến đặc trưng, khiến ai đã ăn thử một lần cũng khó lòng mà quên được hương vị làm say đắm lòng người.
4. So sánh bún cá Kiên Giang và bún cá Châu Đốc
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa món bún cá Kiên Giang và bún cá An Giang (hay còn gọi là bún cá Châu Đốc). Tuy nhiên, nguyên liệu và cách chế biến của hai món ăn nức tiếng miền Tây này có sự khác biệt rất lớn.
Bún cá Châu Đốc
- Bún cá Châu Đốc nguyên bản từ ngày xưa được nấu với cá linh để lấy vị ngọt cho phần nước dùng, thêm chút tôm khô cho thêm đậm đà, và đặc biệt không thể thiếu ngải bún, mắm ruốc cùng các loại gia vị như ớt, sả, tỏi, nghệ tươi.
- Phiên bản hiện đại gần giống như nguyên bản, không thay đổi nhiều, vẫn là hương vị mộc mạc của bún tươi, nước dùng và cá lóc.
- Nước dùng được ninh bằng xương ống để lấy vị ngọt, phải vừa ninh vừa hớt bọt, đảm bảo phần nước dùng luôn trong. Gia vị nêm nếm cho nước dùng bún gồm có mắm cá linh, mắm ruốc đã được lược bỏ xác, cho thêm ngải bún, nghệ giã nát đã lọc chỉ lấy nước.
- Đun trên bếp lửa liu riu, hương vị thơm ngon của các nguyên liệu sẽ hòa quyện vào nước hầm xương trước đó, tạo nên thứ nước dùng đặc trưng, đậm đà, quyến rũ mọi vị giác.
- Cá lóc được làm sạch sẽ, luộc chín với nước luộc sả cùng nghệ đập dập nên không hề bị tanh, mà còn có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Sau đó, cá được gỡ xương, đem ướp các loại gia vị rồi xào qua với nghệ để thịt cá săn lại và có lớp áo màu vàng đẹp mắt.
Bún cá Kiên Giang
- Cách nấu bún cá Kiên Giang có nhiều nguyên liệu ăn kèm hơn nhưng phần gia vị và nước dùng lại đơn giản hơn, chứ không cầu kỳ như món bún cá Châu Đốc.
- Nước dùng lấy vị ngọt trực tiếp từ cá, không cần phải ninh xương lợn trước, cũng không cần nhiều gia vị đặc trưng như mắm ruốc, mắm cá linh.
- Cá lóc dùng để nấu bún thường là loại lớn, sơ chế sạch sẽ, bỏ mật, giữ nguyên lòng rồi đem luộc chín, sau đó bỏ xương, gỡ thành từng miếng nhỏ vừa ăn, hoặc cũng có thể xào sơ trước khi ăn kèm bún.
- Bún cá Kiên Giang sẽ có thêm tôm rim. Những con tôm chắc thịt, đậm đà, lạ miệng giúp hương vị món ăn thêm phong phú.
Xem thêm: Lưu Ngay Cách Nấu Bún Cá Hà Nội Giòn Ngon Chuẩn Vị Nhất Định Phải Thử
Vậy là bạn đã học được cách nấu bún cá Kiên Giang chuẩn vị xứ biển. Nước dùng thanh ngọt, phần thịt cá lóc trắng ngần, thơm chắc, những con tôm rim bắt mắt, thêm chút sắc xanh bày biện bên trên, sẽ khiến người ăn vương vấn mãi không quên. Hãy vào bếp nấu ngay cho cả gia đình thưởng thức thôi nào !