Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Cách nấu chè cúng giao thừa được trình bày theo nhiều công thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán địa phương. Việc dâng lễ chè trong mâm cúng đêm 30 đóng vai trò quan trọng, không chỉ để mong cầu năm mới suôn sẻ, thuận lợi mà còn bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần linh.

1. Cách nấu chè cúng giao thừa miền Bắc

Cách nấu chè cúng giao thừa theo truyền thống miền Bắc như thế nào? Mâm cúng đêm giao thừa của người dân miền Bắc không bao giờ thiếu các món chè, đây không đơn giản chỉ là lễ vật thờ cúng thông thường mà còn bày tỏ lòng biết ơn với bề trên, đồng thời ước mơ về một năm mới sung túc, an vui.

Trong đó, chè con ong và xôi chè là hai món ăn đặc trưng thường xuyên xuất hiện danh sách các cách nấu chè cúng giao thừa đêm 30, thể hiện rõ rệt phong tục và nét ẩm thực đặc trưng của người Bắc Bộ.

1.1. Cách nấu chè con ong

Cách nấu chè cúng giao thừa bằng chè con ong quan trọng nhất là khâu chuẩn bị để thành phẩm món chè chuẩn vị, có vẻ ngoài đẹp mắt. Nguyên liệu cho món chè con ong bao gồm:

  • 300g gạo nếp

  • 100g đường thốt nốt

  • 1 muỗng canh mè

  • 2 củ gừng

  • Dụng cụ: Xửng hấp, máy xay sinh tố, cái rây

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách nấu chè con ong chuẩn vị miền Bắc:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Gạo nếp vo sạch, ngâm trong nước khoảng 4 -5 tiếng cho nếp nở ra.

  • Gừng cạo vỏ, cắt lát mỏng rồi cho vào máy xay cùng 80 – 100ml nước lọc đến khi nhuyễn thì lọc qua rây để lấy phần nước cốt.

Bước 2: Hấp xôi

  • Bạn bắc nồi lên bếp, cho xửng hấp xôi vào trong nồi sau đó đổ phần gạo đã ngâm nở vào, đun cách thủy trên lửa nhỏ và đậy nắp kín lại đến khi xôi chín mềm, dẻo thơm là được (khoảng 15 – 20 phút).

Bước 3: Hoàn thành món chè con ong

  • Bạn bắc chảo lên bếp, cho đường thốt nốt và nước cốt gừng vừa lọc vào đun trên lửa vừa đến khi đường chảy hoàn toàn.

  • Tiếp đến, bạn bỏ xôi vào, đảo đều tới khi đường và gừng thấm đều vào xôi là được.

  • Bạn múc chè ra bát rồi úp ngược vào dĩa để tạo hình chè đẹp mắt, sau đó bạn rải mè rang lên trên là hoàn thành.

Lưu ý: Khi múc chè ra bát, bạn nên ép thật đều và chắc tay để khi úp chè ra dĩa sẽ tạo được hình tròn trịa, gọn gàng và bắt mắt.

Thành phẩm chè con ong khi hoàn thành sẽ có màu cánh gián đẹp mắt cùng mùi thơm dịu từ đường thốt nốt, cay nồng của gừng tạo nên hương vị ngon ngọt khó cưỡng. Đây là món ăn thường xuyên được sử dụng trong mâm cúng dịp Tết cổ truyền.

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Chè con ong ngon ngọt đậm nét ẩm thực cổ truyền

>>> Xem thêm: Cách nấu chè con ong dẻo thơm, cay ngọt cho mâm cúng tròn vị

1.2. Cách nấu món xôi chè

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho cách nấu chè cúng giao thừa bằng xôi chè như sau:

  • 300g gạo nếp

  • 180g đậu xanh

  • 200g bột năng

  • Đường, dầu ăn, muối, bột canh

Hướng dẫn cách nấu chè cúng giao thừa bằng xôi chè như sau:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Gạo nếp vo kỹ, ngâm trong nước 4 tiếng.

  • Đậu xanh rửa sạch, ngâm nước khoảng 2 – 3 tiếng cho mềm, nhanh chín khi nấu.

Bước 2: Cách nấu xôi chè

  • Đậu xanh bóp với 1 thìa bột canh sau đó cho vào xửng hấp đun cách thủy trên lửa to, đến khi sôi thì giảm nhỏ và đồ trong vòng 20 phút cho đậu chín mềm. Tiếp theo, bạn chia đậu làm 2 phần: 1 phần đem giã nhuyễn và 1 phần để nguyên.

  • Gạo nếp ngâm vớt ra, để ráo rồi trộn với một nửa phần đậu xanh giã nhuyễn, nêm thêm 2 thìa dầu ăn và trộn đều tay.

  • Bạn cho hỗn hợp gạo nếp và đậu xanh hấp bằng xửng trong vòng 35 – 40 phút đến khi chín thì múc ra đĩa lớn rồi để nguội, đồng thời bạn rắc phần đậu giã nhuyễn còn lại lên trên và bóp liên tục đều tay cho hòa quyện lại với nhau.

  • Đun sôi khoảng 600ml nước cùng 3 thìa canh đường, sau đó bạn hòa 200gr bột năng rồi đổ từ từ vào hỗn hợp nước đường, vừa đổ vừa khuấy sao cho đều tay để không bị vón cục.

  • Đến khi hỗn hợp đặc quánh lại, bạn cho phần đậu xanh chưa giã vào đun đến khi sôi lại thì tắt bếp là hoàn thành

  • Bạn múc chè ra bát và phần xôi ra đĩa riêng, dâng mâm cúng trong dịp Tết hoặc thưởng thức luôn.

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Cách nấu chè cúng giao thừa miền Bắc không thể thiếu xôi chè

2. Cách nấu chè cúng giao thừa miền Nam

Cách nấu chè trôi nước miền Nam không chỉ xuất hiện trong dịp Tết Hàn thực (mùng 03/03 Âm lịch) mà còn được thêm vào mâm cúng giao thừa hàng năm. Nhiều người tin rằng, chè trôi giúp xua tan đi mọi muộn phiền, xui xẻo của năm cũ và mở ra vạn sự như ý của năm mới. Công thức chế biến chè trôi nước khá đơn giản, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây:

2.1. Nguyên liệu cho món chè trôi nước

Để cách nấu chè giao cúng giao thừa trôi nước thành công, trước tiên, bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu sau:

  • ½ củ khoai lang trắng

  • 150gr đậu xanh cà vỏ

  • 400gr bột nếp

  • 3 thìa cà phê bột gạo

  • 1 thìa bột năng

  • 375gr đường thốt nốt

  • 70gr gừng

  • 70gr dừa sợi

  • 450ml nước cốt dừa

  • 2 thìa hành phi

  • 1 ít mè rang

  • 1 ít đậu phộng rang

  • 1 ống vani

  • 2 thìa canh đường

  • 1 ít muối

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món chè trôi nước

2.2. Cách nấu chè trôi nước

Dưới đây là hướng dẫn cách nấu chè trôi nước theo kiểu miền Nam ngon chuẩn vị:

Bước 1: Vo sạch và ngâm đậu xanh

  • Với 150gr đậu xanh, bạn đem vo sạch với nước nhiều lần, cho 1 thìa cà phê muối vào 1 lít nước ấm, khuấy đều cho tan rồi đổ đậu vào ngâm trong vòng 1 tiếng.

Bước 2: Hấp và tán nhuyễn đậu xanh, khoai lang

  • Trước tiên, bạn gọt ½ vỏ củ khoai lang trắng rồi cắt làm đôi, đậu sau khi ngâm thì chắt bỏ nước, cho vào xửng hấp chung với khoai trong vòng 30 phút.

  • Đậu và khoai sau khi đã chín mềm thì tách riêng ra 2 bát rồi dùng vá tán nhuyễn.

Bước 3: Trộn bột bánh

  • Cho khoai lang trắng tán nhuyễn vào 400gr bột nếp, thêm 360ml nước ấm cùng ¼ thìa muối rồi trộn đều tay.

Lưu ý: Trộn thêm khoai lang trắng vào bột sẽ giúp bánh dẻo mềm hơn và để lâu mà không bị cứng. Trong lúc trộn bột, bạn nên đổ từ từ nước vào, cho đến đâu trộn đến đó tránh để bột quá nhão, khó nhồi nhân.

Bước 4: Nhồi và ủ bột

  • Bạn dùng tay nhồi đều phần bột bánh khoảng 20 phút đến khi khối bột dẻo, kéo ra có độ đàn hồi, dễ đứt sợi là được.

  • Tiếp đến, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại, ủ trong 3 – 4 tiếng cho bột nghỉ.

Bước 5: Sên nhân đậu xanh với sợi dừa

  • Cho vào nồi 320ml nước cốt dừa, 125ml nước lọc, ⅓ thìa cà phê muối, 1 thìa canh bột năng, 3 thìa bột gạo rồi khuấy đều để hỗn hợp hòa tan lại với nhau.

  • Bạn bắc nồi nước cốt dừa lên bếp đun trên lửa nhỏ, khuấy đều đến khi nước cốt sánh lại thì tắt bếp, thêm 1 ống vani vào rồi đảo đều đến khi tan hoàn toàn.

  • 80ml nước cốt dừa còn lại bạn dùng để sên nhân đậu xanh. Đậu xanh tán nhuyễn cho lên chảo cùng ½ thìa cà phê muối, 2 thìa đường rồi sên đậu xanh với nước cốt dừa trên lửa nhỏ đến khi nhân hơi ráo lại.

  • Tiếp đến, bạn thêm dừa sợi vào nhân đậu xanh, trộn đều cho hỗn hợp dẻo dính thành khối đồng nhất, không còn vụn đậu dính chảo. Cuối cùng, bạn nêm thêm 1 thìa hành phi rồi trộn đều là hoàn thành.

Bước 6: Bọc nhân đậu xanh

  • Bạn nặn phần nhân thành những viên tròn, mỗi viên có khối lượng khoảng 20gr, sau đó bạn nặn phần bột bánh thành những viên tròn khoảng 30gr.

  • Dùng ngón tay cái ấn mạnh xuống bột tạo thành vòng tròn vừa đủ sau đó cho viên nhân vào giữa, se tròn bột để phần vỏ ôm sát và bọc kín nhân đậu xanh.

  • Phần bột bánh còn thừa bạn vo thành những viên tròn nhỏ như trân châu.

Bước 7: Nấu chè với nước đường gừng

  • Bắc nồi lên bếp cùng 1 lít nước lọc, thêm 375gr đường thốt nốt và 1 thìa cà phê muối, đảo đều cho tan rồi nêm nếm lại độ ngọt vừa khẩu vị gia đình.

  • Cho vào 70gr gừng cắt sợi, đun sôi rồi cho viên chè vừa nặn vào đun cùng trên lửa vừa khoảng 15 phút đến khi viên chè chín, nổi trên mặt nước, vỏ bánh căng và hơi trong thì tắt bếp.

  • Bạn cho viên chè ra bát, thêm 1 ít nước cốt dừa, mè rang và đậu phộng nữa là có thể bày biện ra mâm cúng giao thừa rồi.

>>> Xem thêm: Cách nấu chè trôi nước nhân đậu xanh ngon nhức nách, ai ăn cũng tấm tắc khen

3. Cách nấu chè cúng giao thừa miền Trung

Người xưa có câu “Đẹp vàng son, ngon mật mỡ”, với người dân miền Trung, mật mía là thứ đặc sản trời ban với hương vị ngọt đượm, được dùng nhiều cho các món chè cúng giao thừa ngày Tết cổ truyền. Năm mới sắp đến, bạn có thể học ngay cách nấu chè ngào để trổ tài nấu nướng cho mâm cơm cúng giao thừa của cả gia đình.

3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

Muốn học cách nấu chè cúng giao thừa miền Trung chuẩn vị, trước tiên, bạn cần lên danh sách nguyên liệu kỹ lưỡng cho khâu chuẩn bị, bao gồm:

  • 200g bột nếp

  • 200ml mật mía

  • 70g gừng

  • Vừng trắng rang

  • Gia vị: muối hột, dầu ăn

3.2. Cách nấu chè ngào chuẩn vị đặc sản xứ Nghệ miền Trung

Bước 1: Nhào bột

  • Bạn dùng 200g bột nếp, nêm 5 thìa canh muối hột, 1 thìa dầu ăn và cho 120ml nước sôi vào bột, vừa cho vừa khuấy đều.

  • Tiếp đến, bạn nhào bột đều tay đến khi bột tạo thành khối đồng nhất và không dính tay, bọc bột vào túi nilon rồi cho nghỉ khoảng 10 phút.

Bước 2: Sơ chế gừng

  • Gừng cạo vỏ, rửa sạch sau đó thái sợi mỏng, ngâm vào bát nước muối loãng khoảng 10 phút để giảm vị hăng của gừng.

Bước 3: Nặn bánh ngào

  • Bạn rải 1 ít bột nếp xuống bàn, lấy khối bột ra và nhào lại cho bột dẻo mềm. Tiếp đến, bạn chia bột thành từng phần nhỏ rồi tạo hình cho bánh ngào, có thể nặn viên tròn hoặc thuôn dài tùy ý.

Bước 4: Luộc bánh ngào

  • Cho 1 lít nước vào đun sôi thì cho bánh ngào vào luộc. Để bánh không dính nồi, bạn hãy thường xuyên khuấy đều và điều chỉnh bếp ở mức lửa vừa.

  • Khi bánh nổi lên mặt nồi, bạn để bánh đun thêm khoảng 1 – 2 phút nữa thì vớt ra rồi cho vào bát nước lạnh để bánh không dính vào nhau.

Bước 5: Nấu bánh ngào mật mía

  • Bạn cho 500ml nước lọc, 200ml mật mái và gừng thái sợi vào nấu chung đến khi hỗn hợp sôi thì giảm lửa vừa và đun thêm khoảng 2 phút nữa.

  • Tiếp đến, bạn cho phần bánh ngào vào nấu tiếp khoảng 5 phút thì tắt bếp.

Lưu ý: Bạn hãy thường xuyên vớt bọt để nước mật giữ được độ trong.

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Bánh ngào ngọt thơm chuẩn hương vị xứ Nghệ miền Trung

4. Một số câu hỏi liên quan đến cúng chè đêm giao thừa

Sau khi đã học thuộc cách nấu chè cúng giao thừa theo từng miền, bạn có thể tham khảo thêm một số câu hỏi thường gặp liên quan đến việc cúng chè đêm giao thừa để có cái nhìn tổng quan hơn về phong tục tốt đẹp này.

4.1. Ý nghĩa cúng chè đêm giao thừa?

Theo truyền thống người Việt, mâm cỗ dâng lên các vị thần linh, tổ tiên đêm giao thừa không được thiếu món chè bởi có quan niệm rằng, cuối năm nên thưởng thức những món ăn nhẹ nhàng, thanh tao sẽ giúp cho năm mới thêm may mắn và hạnh phúc hơn.

4.2. Đêm giao thừa nên cúng bao nhiêu bát chè?

Ngoài cách nấu chè cúng giao thừa, bạn cũng nên quan tâm đến số lượng bát chè cần có trong mâm dâng lễ tổ tiên, thần linh. Thông thường, một mâm có sẽ bày bát chè theo số lẻ từ 1, 3, 5 bát. Bên cạnh đó, tùy điều kiện của mỗi gia đình và phong tục tập quán địa phương, số lượng chè cũng có sự thay đổi riêng biệt. Dù số lượng chén chè là bao nhiêu, bạn cũng nên nhớ lòng thành tâm luôn là yếu tố tiên quyết nhất khi thực hiện các nghi lễ cúng bái.

Cách nấu chè cúng giao thừa chuẩn phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

Mỗi mâm cúng sẽ bày bát chè theo số lẻ từ 1, 3 đến 5 bát

Cách nấu chè cúng giao thừa được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức liên quan đến phong tục dâng lễ chè, đồng thời tìm hiểu về ẩm thực 3 miền trong khâu chuẩn bị vật phẩm cúng giao thừa. Đây được xem là một phong tục tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam, được kế thừa và duy trì cho đến ngày nay. Không chỉ thể hiện lòng thành tâm với tổ tiên, thần linh, các món chè cúng giao thừa còn thể hiện nét ẩm thực cổ truyền đa dạng của nước ta.



chè

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *