Khám phá 3 cách nấu chè đậu ván giúp bạn trải nghiệm hương vị chè truyền thống của cung đình xứ Huế ngay tại nhà. Món chè là sự kết hợp giữa đậu ván chín mềm và nước cốt dừa béo ngậy, tuy mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn toát lên sự thanh tao, tinh tuý của ẩm thực cố đô. Thực hành ngay những công thức này bạn sẽ có ngay những ly chè thơm ngon đủ sức chinh phục mọi người trong gia đình bạn.
1. Cách nấu chè đậu ván đơn giản, ai cũng làm được
Trong phần dưới đây, job3s sẽ hướng dẫn bạn cách nấu chè đậu ván với nước cốt dừa chuẩn theo công thức chè cung đình Huế. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm 2 cách nấu chè đậu ván khác kết hợp với các nguyên liệu như dừa nạo, hạt sen… Tuỳ vào khẩu vị của mỗi người để chọn cách nấu phù hợp nhất.
1.1. Cách nấu chè đậu ván cung đình xứ Huế
Vốn dĩ là món quà vặt dân dã nhưng chè đậu ván là trở thành nét văn hoá ẩm thực của cố đô Huế. Chỉ với một ít đậu ván được hấp chín mềm, kết hợp với nước cốt dừa là bạn có thể hoàn thành một bát chè thơm ngon, đậm đà hương vị truyền thống.
Nguyên liệu chuẩn bị
-
300g đậu ván không vỏ
-
200g đường trắng
-
50g bột năng
-
6 nhánh lá dứa
-
200ml nước cốt dừa đóng hộp
-
2 ống vani
-
100ml sữa tươi không đường
Mách nhỏ
-
Chọn hạt đậu ván tròn đều, bề mặt nhẵn bóng, tránh chọn hạt đậu bị đen sạm, ẩm mốc hoặc những hạt bị lép.
-
Mua đậu ván tại các siêu thị lớn hoặc cửa hàng thực phẩm uy tín để mua được những hạt đậu mới, không bị trộn chất bảo quản.
Cách thực hiện
Bước 1: Rửa sạch đậu ván, ngâm với nước trong 8 tiếng hoặc qua đêm để hạt đậu nở mềm. Sau đó, hấp cách thuỷ đậu ván với 3 nhánh lá dứa trong khoảng 30 phút.
Bước 2: Bắc nồi lên bếp, hoà tan 2 lít nước với 200g đường trắng, 3 nhánh lá dứa rồi đun sôi, khuấy đều tay cho đường tan hết.
Bước 3: Vớt lá dứa ra ngoài, pha 50g bột năng với nước rồi đổ từ từ vào nồi, vừa đổ vừa khuấy đều tay đến khi nước đặc sánh lại thì tắt bếp.
Bước 4: Bắc nồi khác lên bếp, cho 200ml nước cốt dừa, 100ml sữa tươi không đường và 2 ống vani, khuấy đều tay, đun đến khi sôi thì tắt bếp. Bạn có thể cho thêm đường nếu ăn ngọt hơn.
Bước 5: Cho đậu ván đã hấp chín vào nồi nước chè ở bước 3, đảo đều tay rồi múc ra cốc, chan nước cốt dừa lên trên và thưởng thức.
Xem thêm: Top 3 Cách Nấu Chè Đậu Hà Lan Trắng Thơm Ngon, Béo Bùi, Ăn Là Ghiền
1.2. Cách nấu chè đậu ván với dừa nạo
Ngoài cách nấu truyền thống, bạn có thể biến tấu món chè đậu ván kết hợp dừa nạo sợi theo khẩu vị của gia đình. Cách làm cũng đơn giản và nguyên liệu rất dễ tìm.
Nguyên liệu chuẩn bị
-
400g đậu ván đã tách vỏ
-
300g dừa non
-
100ml sữa tươi không đường
-
200g đường trắng
-
50g bột năng
-
2 ống vani
-
300ml nước cốt dừa
Cách thực hiện
Bước 1: Rửa sạch và ngâm đậu ván, sau đó đem hấp cách thuỷ trong 30-40 phút. Nếu ăn thử thấy chín mềm, thơm bùi là được.
Bước 2: Rửa qua phần dừa non rồi nạo thành các sợi nhỏ. Pha 50g bột năng với nước.
Bước 3: Đun nước cốt dừa theo công thức 300ml nước cốt dừa, 100ml sữa tươi không đường và 2 ống vani.
Bước 4: Cho 500ml nước vào nồi, đổ bột năng hoà tan với 200g đường trắng rồi đun sôi, chú ý khuấy đều tay để chè không bị vón cục.
Bước 5: Cho đậu ván đã chín vào nấu cùng, khi chè sôi một lần nữa thì tắt bếp.
Bước 6: Múc chè ra bát, cho nước cốt dừa và dừa nạo sợi lên trên rồi thưởng thức.
1.3. Cách nấu chè đậu ván với hạt sen bổ dưỡng
Hạt sen được xem là vị thuốc có tác dụng an thần, chữa mất ngủ hiệu quả. Khi kết hợp với đậu ván, một nguyên liệu có tác dụng giải độc sẽ trở thành món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ.
Nguyên liệu chuẩn bị
-
200g hạt sen khô
-
300g đậu ván
-
80 đường phèn
-
50ml nước cốt dừa
-
30g bột năng
Cách thực hiện
Bước 1: Đậu ván sau khi đã rửa sạch, đặt vào xửng và hấp chín trong khoảng 10-15 phút.
Bước 2: Ngâm hạt sen khô với nước trong 30 phút, sau đó bỏ tâm sen và rửa sạch.
Bước 3: Cho hạt sen vào nồi, luộc với 3 bát con nước trong 20 phút. Sau đó, thêm đường phèn vào, khuấy cho đến khi đường tan hết.
Bước 4: Pha 30g bột năng với nước.
Bước 5: Thêm đậu ván vào nồi, nấu thêm 5 phút rồi cho bột năng pha loãng vào, khuấy đều tay đến khi chè sánh đặc là hoàn thành.
Bước 6: Múc chè ra bát, cho 50ml nước cốt dừa và thưởng thức.
Xem thêm: Cách Nấu Chè Đậu Xanh Đánh Nhuyễn Mịn, Thơm Mềm, Ngon Bất Bại
2. Yêu cầu thành phẩm và cách bảo quản chè đậu ván
Món chè đậu ván đạt yêu cầu là khi những hạt đậu ván có độ chín tới, mềm vừa phải, không quá cứng, không quá nát. Chè có độ sánh, khi ăn cảm thấy vị ngọt bùi hoà quyện với nước cốt dừa và hương lá dứa.
Ngoài ra, chè có vị ngọt dịu, không ngọt sắc, tuỳ vào khẩu vị của mỗi người mà bạn sẽ cho lượng đường phù hợp. Nếu muốn chè thanh mát thì cho ít đường, nếu là người hảo ngọt thì có thể cho thêm đường.
Bạn có thể bảo quản chè trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 3 ngày. Bạn cần chú ý cho chè vào hộp nhựa kín nắp để tránh lây chéo mùi, không nên ăn chè khi đã quá thời gian trên, lúc này chè đã không còn giữ được mùi vị và dinh dưỡng như ban đầu.
Thử ngay 3 cách nấu chè đậu ván được hướng dẫn ở trên bạn có thể tự tin chiêu đãi gia đình vào ngày khi thời tiết se lạnh này. Chắc chắn, món ăn này sẽ chinh phục được những thực khách khó tính nhất. Chúc bạn thành công.